Sau cuộc họp tháng 3/2020 của khối OPEC+, không một thỏa thuận nào được thông qua và đi kèm với đó là sự tan rã của OPEC cùng khối đồng minh.
Với việc Saudi Arabia giảm giá bán dầu cho các khách hàng và tăng sản lượng từ 9,2 triệu thùng/ngày lên 10 triệu thùng/ngày, giá dầu bắt đầu lao dốc mạnh xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Một lần nữa, ngành dầu đá phiến Mỹ lại được mang ra “mổ xẻ” khi giá dầu hiện tại đang ở dưới điểm hòa vốn của rất nhiều công ty.
Sản lượng dầu đá phiến tăng mạnh từ cuối 2016 nhờ cắt giảm chi phí và giá dầu tăng mạnh
Từ sau cuộc khủng hoảng giá dầu vào cuối năm 2015, ngành dầu đá phiến đã liên tục cải tiến công nghệ để giảm chi phí sản xuất của ngành.
Theo Rystad Energy ước tính, điểm hòa vốn các doanh nghiệp dầu đá phiến nói chung đã giảm từ mức 82USD/thùng năm 2012 xuống chỉ còn trên 40USD/thùng ở thời điểm hiện tại.
Với việc liên minh OPEC+ được thành lập từ cuối 2016, giá dầu luôn duy trì ở mức cao, từ đó giúp sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng liên tục. Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đạt 9,7 triệu thùng/ngày, tăng 86% so với cuối năm 2016.
Chi phí sản xuất cao trong bối cảnh giá dầu thấp khiến dòng tiền các doanh nghiệp ảnh hưởng
Đâu đó vẫn có những doanh nghiệp - chủ yếu ở vùng Permian có giá thấp hơn 30USD/thùng nhưng tỷ trọng là không nhiều so với mặt bằng chung.
Do đó, theo VDSC, sức cạnh tranh của dầu đá phiến so với các nước khác là không cao khi giá vốn của các nước sản xuất khác thuộc OPEC hay Nga thấp hơn. Trong thời gian OPEC+ tồn tại, Mỹ tận dụng việc cắt giảm của các nước để tăng thị phần của mình trên thị trường dầu thế giới.
Tuy nhiên, khi OPEC+ tan rã kéo theo thỏa thuận cắt giảm không còn, các nước có chi phí khai thác thấp hơn tăng sản lượng và thị phần của dầu đá phiến Mỹ khi đó nhiều khả năng giảm.
Theo thống kê của J.P Morgan, dòng tiền của 20 công ty dầu đá phiến niêm yết hang đầu từ đầu năm 2018 đến nay bắt đầu dương và có thể đó là nhờ sản lượng tăng mạnh cùng với đó là môi trường giá dầu cao.
Tuy nhiên, dòng tiền vẫn còn khá yếu so với mức âm trong giai đoạn trước đó. Với viễn cảnh giảm thị phần khi không thể cạnh tranh với các nước khác và đang hoạt động dưới điểm hòa vốn, VDSC đánh giá, dòng tiền các doanh nghiệp dầu đá phiến sẽ gặp thách thức lớn trong thời gian tới.
Phụ thuộc nhiều vào nợ vay
Và còn lớn hơn trong bối cảnh sự bùng nổ của ngành công nghiệp này lại phụ thuộc rất nhiều vào nợ vay. Trong 3 năm trở lại đây, khoảng 84,6% các nguồn tài trợ cho ngành dầu khí đến từ các khoản vay.
Với tỷ lệ đòn bẫy cao, khả năng chi trả lãi vay của các doanh nghiệp trong ngành giảm khi lợi nhuận giảm (do giá dầu giảm trong năm 2019). Với tình hình hiện tại, giá dầu trung bình trong năm 2020 có khả năng thấp hơn 2019, khả năng chi trả lãi vay của các doanh nghiệp khi đó sẽ còn khó khăn hơn.
Mai Chi
Theo VDSC