Anh Nguyễn Hữu Trung - Tiếp viên của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam - chia sẻ với PV Dân trí về công việc trong mùa dịch và chuyến bay đi quốc tế cuối cùng trước khi hãng tạm dừng khai thác tất cả đường bay quốc tế, dự kiến đến hết ngày 30/4.
Theo anh Trung, nghề tiếp viên hàng không luôn được mọi người biết tới bởi sự hào nhoáng, đẹp đẽ, được bay tới những vùng đất mới, được tiếp xúc với rất nhiều nền văn hoá trên thế giới và cả những công nghệ, món đồ tiên tiến nhất. Thế nhưng, ít ai thấy được sự khó khăn, vất vả ở phía sau của hình ảnh hoàn hảo đó, đặc biệt là trong những ngày dịch bệnh hoành hành.
Nam tiếp viên hàng không Nguyễn Hữu Trung
“Khi tất cả mọi người đang cố trở về Việt Nam để tránh dịch bệnh, thì chúng tôi - những tiếp viên hàng không lại đang xung phong bay đến vùng dịch để đưa đồng bào về nước” - anh Trung chia sẻ.
Nam tiếp viên của hang bay quốc gia cho rằng họ chưa thể so sánh với những bác sĩ, y tá, quân nhân... đang ngày đêm trực tiếp chống dịch. Đó là những anh hùng của thời đại này. Nhưng, tiếp viên hàng không cũng đang cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt vai trò, nghĩa vụ của mình.
Đề cập tới câu chuyện xảy ra mới đây với hai nữ đồng nghiệp người Nhật Bản, anh Trung cho biết họ đang sinh sống tại một căn hộ chung cư thuê tại Hà Nội thì bỗng dưng nhận được thông tin sẽ kiểm tra thân nhiệt và Ban quản lý thông báo không cho tiếp viên hàng không thuê nhà để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Hay ngay chiều qua thôi (chiều 18/3), trời Hà Nội mưa và lạnh. Một nữ tiếp viên đặt chuyến xe để đi làm. Khi tới, tài xế nhìn thấy loáng thoáng chiếc áo dài của tiếp viên và không nói, không rằng, anh này đeo thêm một chiếc khẩu trang rồi mở tung cả bốn cửa kính ô tô để kệ cho gió thổi, mưa hắt xối xả vào người khách. Khi nữ tiếp viên ý kiến đóng cửa xe phía ghế dưới đang ngồi, lái xe nhất quyết không đồng ý, nữ tiếp viên đã phải xuống xe và gọi một chiếc taxi khác để đi tiếp hành trình lên sân bay.
“Tiếp viên hàng không có phải là virus không? Chúng tôi có đáng bị xua đuổi như vậy không? Chúng tôi không đáng để bị kì thị!” - nam tiếp viên bày tỏ.
Phi hành đoàn trên một chuyến bay "giải cứu" người Việt từ các "điểm nóng" Covid-19 về nước
Trên thực tế, ngay từ đầu mùa dịch, tiếp viên đã được hãng cấp phát miễn phí khẩu trang, găng tay, bình xịt khuẩn và kiến thức phòng tránh dịch bệnh. Khi bay tới vùng dịch, tiếp viên sẽ được trang bị đồ bảo hộ y tế giống như ở bệnh viện để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Có lẽ, tiếp viên hàng không còn theo dõi sát sao hơn hành khách nhập cảnh vì chỉ cần có thông báo nghi ngờ chuyến bay có khách nhiễm bệnh, cả tổ tiếp viên sẽ bị cách ly 14 ngày, những ai có tiếp xúc với tổ tiếp viên hôm đó cũng sẽ trở thành F2, F3 và cắt lịch bay ở nhà tự cách ly cho đến khi được thông báo “giải thoát”.
“Dịch bệnh, ai cũng sợ. Chúng tôi luôn hiểu điều đó. Nhưng, chúng tôi cũng là con người, cũng có cảm xúc, cũng biết suy tư. Chúng tôi không làm điều gì sai trái cả, thậm chí, chúng tôi còn đang rất tự hào về những gì đang làm” - anh Trung chia sẻ.
Nhiều người nói rằng: Tại sao không dừng bay? Tại sao không đóng cửa sân bay? Tại sao vẫn tiếp nhận người về Việt Nam? Có lẽ, những tiếp viên hàng không không thể trả lời được.
“Chúng tôi chỉ biết rằng khi nào vẫn còn hành khách, chúng tôi vẫn sẽ làm nhiệm vụ. Chúng tôi chỉ biết rằng nếu công ty cần, đất nước cần, chúng tôi sẽ đi bay mà không nhận bất cứ một khoản tiền thù lao nào cũng được” - anh Trung nói.
Sau những chuyến bay về từ vùng dịch, các tiếp viên, phi công phải phun khử trùng và cách ly 14 ngày theo quy định
Nam tiếp viên của hãng bay quốc gia cho biết: “Đêm nay (19/3), tôi sẽ bay tới Nhật Bản. Đây là chuyến bay cuối cùng chúng tôi làm nhiệm vụ ra nước ngoài, trước khi tạm dừng khai thác các đường bay quốc tế vì dịch Covid-19. Sẽ rất lâu nữa chúng tôi mới được quay trở lại những vùng đất đã trở nên thân quen. Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình, để những chuyến bay chở đồng bào về từ vùng dịch được an toàn, thoải mái. Hi vọng rằng, bình an sẽ đến với tất cả chúng ta. Việt Nam chắc chắn sẽ chiến thắng được đại dịch nếu như chúng ta cùng đoàn kết, yêu thương và lạc quan”.
Châu Như Quỳnh