Dịch bệnh kéo dài hơn một năm qua đã ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều DN, đặc biệt là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ khi việc giãn cách xã hội được thực thi nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm nay, có hơn 35 ngàn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, con số này tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, số DN ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể lên tới gần 25 ngàn DN, tăng 25,7%. Đó là những con số cho thấy, dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng DN đến mức nào. Trên đây mới chỉ là con số thống kê về số DN bị rời khỏi thương trường, đó còn chưa kể số những hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải đóng cửa vì covid.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, thương mại điện tử đang trở thành công cụ quan trọng giúp các hộ kinh doanh, DN vượt khó.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thanh Huệ, chủ một cửa hiệu bánh xèo ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), dịch bệnh khiến các cửa hàng kinh doanh ăn uống gặp khó khi số lượng khách đến ăn trực tiếp giảm mạnh, doanh thu của cửa hàng giảm sâu. Trong bối cảnh đó, chị Huệ quyết định chuyển sang bán hàng online. “Hàng được rao trên mạng xã hội được khách đặt rất đông. Khách quen không đến trực tiếp ăn được thường gọi điện đặt, đã vậy còn giới thiệu cho bạn bè. Chính bởi vậy, doanh thu không những không giảm mà còn có xu hướng tăng lên” – chị Huệ cho biết.
Cửa hàng bánh xèo của gia đình chị Huệ là một trong số hàng ngàn hộ kinh doanh đã linh động chuyển từ bán hàng truyền thống sang bán hàng online. Có thể thấy, mặc dù dịch bệnh hoành hành, nhưng nhiều hộ kinh doanh đã tận dụng thương mại điện tử để có thể trụ vững được trong bão dịch.
Không chỉ các hộ nhỏ lẻ, nhiều DN lớn cũng đã tận dụng thương mại điện tử để phát triển, vượt quan bão dịch. Đáng chú ý, các DN xuất khẩu qua kênh trực tuyến phát triển mạnh, môi trường thương mại điện tử sôi động rõ rệt kể cả khi dịch bệnh đang hoành hành phức tạp.
Thông tin từ Amazon Global Selling, tại Việt Nam, thương mại điện tử xuyên biên giới đã và đang trên đà phát triển trong nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt năm 2020, nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng - đổi từ cách thức mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sang trực tuyến, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành trạng thái “bình thường mới".
Số liệu của tổ chức này cho biết, trong năm 2020, người bán hàng Việt Nam đã ghi nhận doanh số vượt mốc 1 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2019. Hàng nghìn người bán hàng Việt Nam, từ những thương hiệu lớn và có tiếng như cà phê Trung Nguyên, giày Biti's, đến các nhà sản xuất nội địa đều đang mở rộng và phát triển kinh doanh trên toàn cầu thông qua Amazon.
Đáng chú ý, cũng theo thông tin từ Amazon Global Selling Việt Nam, trong ngày hội mua sắm toàn cầu Amazon Prime Day 2021 vừa qua, hơn 250 triệu đơn vị sản phẩm đã được bán ra với vô vàn các sản phẩm như đồ làm đẹp, dinh dưỡng, chăm sóc trẻ em, đồ điện, thiết bị quần áo và đồ gia dụng. Trong đó, người bán hàng Việt Nam đã góp phần vào danh mục bán chạy những mặt hàng như chăn drap giường ngủ, thủ công và may mặc, phụ kiện không dây, thực phẩm chức năng và chăm sóc sức khỏe.
Như vậy, có thể khẳng định, bất chấp dịch bệnh, thương mại điện tử đã và đang trở thành cứu cánh giúp các DN, hộ kinh doanh trụ vững, thậm chí nhiều lĩnh vực còn phát triển mạnh hơn thời điểm chưa có dịch.
Thế Hưng