Fica
  1. Doanh nghiệp

Thuế bỗng nhiên tăng vì… nghị định!

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam vừa gửi đơn kêu cứu đến Bộ Tài chính.

Nghị định 20/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với các công ty giao dịch liên kết có hiệu lực từ tháng 5-2017. Mục tiêu nhằm chống chuyển giá từ các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế Nghị định 20 lại khiến các DN Việt Nam gặp vạ lây.

Bị đóng thuế oan

Nghị định 20 quy định rõ: Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của DN được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của DN.

Điều này có nghĩa nếu chi phí lãi vay vượt trên mức 20% thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của DN. Quy định trên khiến các công ty trong nước bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ-con. Chính vì vậy, một loạt tập đoàn, tổng công ty vừa có công văn kiến nghị Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phân tích: Bản chất các giao dịch liên kết có tính chất “cho vay lại” giữa EVN và các đơn vị thành viên được thực hiện theo quy định của Chính phủ và tuân thủ nguyên tắc giá thị trường.

“Vì vậy, nếu giới hạn chi phí lãi vay như quy định trên thì ảnh hưởng đến tình hình tài chính của tập đoàn và các công ty rất lớn, gây khó khăn trong cân đối vốn đầu tư” - EVN phản ánh.

Cụ thể, số thuế thu nhập DN phải nộp tăng rất lớn. Điển hình như EVN GENCO 1 nộp thuế tăng khoảng 339 tỉ đồng, EVN GENCO 3 tăng khoảng 212 tỉ đồng…

Tương tự, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cũng cho rằng việc khống chế trần lãi vay được khấu trừ khi tính thuế thu nhập không vượt 20% đã tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của công ty. Cụ thể, Lilama và các công ty có quan hệ liên kết đều hoạt động ở Việt Nam, cùng chịu một mức thuế thu nhập DN nên không có động cơ chuyển giá nhằm mục đích hưởng lợi về thuế thu nhập DN.


Các doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi những bất hợp lý tại Nghị định 20. Trong ảnh: Điện lực là một trong những ngành chịu ảnh hưởng của Nghị định 20/2017. Ảnh: Hoàng Giang

Các doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi những bất hợp lý tại Nghị định 20. Trong ảnh: Điện lực là một trong những ngành chịu ảnh hưởng của Nghị định 20/2017. Ảnh: Hoàng Giang

Do vậy, quy định về mức trần trên tổng chi phí lãi vay được trừ bao gồm cả giao dịch liên kết và giao dịch độc lập là chưa phù hợp với bản chất, mục đích của việc quản lý thuế đối với giao dịch liên kết.

“Thực hiện theo quy định mới về lãi vay của Nghị định 20, tình hình tài chính của Lilama sẽ càng trở nên khó khăn, nhiều công ty khó có thể vượt qua giai đoạn này. Nhiều công ty sẽ dương lợi nhuận trước thuế nhưng sau thuế lại lỗ, hoặc có công ty lợi nhuận trước thuế đã âm rồi nhưng vẫn phải nộp thêm thuế thu nhập DN dẫn đến tăng lỗ nhiều hơn. Thậm chí một số công ty giảm việc làm và dẫn tới nguy cơ phá sản” - Lilama lo lắng.

Đại diện một DN BOT cũng cho biết nếu tuân thủ theo quy định trên có nghĩa là công ty không có lãi hoặc lãi thấp thì chi phí lãi vay bị loại sẽ rất lớn. “Tinh thần của Nghị định 20/2017 nhằm chống chuyển giá, chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước, tránh tình trạng lãi thật lỗ giả. Nhưng trong trường hợp chúng tôi, nếu bị khống chế lãi vay theo quy định trên sẽ chuyển thành tình trạng lỗ thật lãi giả khi quyết toán thuế thu nhập DN, gây khó khăn cho công ty” - đại diện DN trên cho biết.

Phải đóng thuế đến hai lần

Ngoài những bất hợp lý trên, các DN còn phản ánh: Quy định khống chế lãi tiền vay tại Nghị định 20 còn phát sinh việc đánh thuế trùng đối với cùng một giao dịch kinh doanh, đó là lãi tiền vay.

Ví dụ bên cho vay phải nộp thuế thu nhập DN đối với thu nhập từ lãi tiền vay, bên đi vay cũng phải nộp loại thuế trên đối với phần chi phí tiền vay vượt mức khống chế. Nghĩa là phần chi phí lãi vay vượt trần sẽ bị tính thuế đến hai lần tại hai công ty.

Để giải quyết những bất hợp lý trên, luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cho rằng Bộ Tài chính nên đề xuất Chính phủ khắc phục quy định bất hợp lý của Nghị định 20 để tránh thiệt hại cho các DN. Cụ thể, quy định khống chế lãi tiền vay tại nghị định trên chỉ nên áp dụng đối với hai đối tượng DN.

Đối tượng thứ nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài có quan hệ liên kết qua biên giới. Thứ hai là các DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có giao dịch về vay vốn với các bên có quan hệ liên kết có mức thuế thu nhập DN khác nhau.

“Nghĩa là không áp dụng đại trà như Nghị định 20 hiện hành đang gây thiệt hại, làm giảm sức cạnh tranh cho các DN Việt” - ông Trần Xoa nhấn mạnh.

Đồng tình, chuyên gia tài chính kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Nghị định 20 nhằm mục đích tăng tính minh bạch của các giao dịch liên kết, chống chuyển giá . Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng với các tập đoàn nước ngoài liên tục mở rộng sản xuất, kinh doanh nhưng báo lỗ triền miên.

“Đối với những DN trong nước thì như ở Mỹ, họ không có quy định về chi phí lãi vay mà chính cơ quan thuế sẽ có công cụ kiểm tra, chế tài với những trường hợp gian lận thuế” - ông Hiếu gợi ý.

 

Bộ Tài chính đề xuất giải pháp

Đại diện Bộ Tài chính giải thích Nghị định 20/2017 được xây dựng nhằm chống chuyển giá, chống tránh thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia, các DN đầu tư nước ngoài lợi dụng chi phí lãi vay để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Nhưng trên thực tế, trong quá trình thực hiện, các tập đoàn, tổng công ty trong nước và các công ty thành viên lại chịu tác động nhiều nhất. Trong khi đó các đối tượng trên không có hoặc có rất ít động cơ để chuyển giá thông qua việc sắp xếp các giao dịch vay.

Để tháo gỡ vướng mắc cho DN, đại diện Bộ Tài chính cho hay sẽ đề xuất phương án giải quyết, trong đó cấp thiết là quy định về khống chế chi phí lãi vay. Theo đó, có hai nhóm vấn đề được đề xuất.

Một là Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 20. Trong đó đề xuất không áp dụng quy định này đối với DN là đối tượng áp dụng của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Kinh doanh bảo hiểm. Hai là chưa áp dụng đối với các dự án đầu tư mới trong thời gian ba năm tính từ khi bắt đầu có doanh thu, năm năm kể từ khi thực hiện dự án đầu tư; đối với dự án đầu tư mở rộng trong thời gian ba năm kể từ khi có doanh thu...

Nhiều ông lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Nhiệt điện Quảng Ninh... cũng đã gửi văn bản về Bộ Tài chính đề nghị tháo gỡ vướng mắc tại Nghị định 20. Trong đó có công ty phát sinh thêm hơn 400 tỉ đồng, thậm chí cao hơn nhiều lần.

 

Theo Quang Huy
Pháp luật TPHCM