Các doanh nghiệp FDI luôn báo lỗ và có dấu hiệu lạm dụng chính sách giá chuyển giao nội bộ để chuyển giá quốc tế.
Công văn chỉ đạo của Thủ tướng dẫn phản ánh của báo chí cho biết, từ năm 2012 - 2016, số doanh nghiệp FDI báo lỗ chiếm 44 - 51% tổng số doanh nghiệp, là dấu hiệu của chuyển giá. Nhưng thực tế có cung cấp hay không thì ngành thuế cũng khó biết do chưa có chức năng điều tra.
Nhiều doanh nghiệp chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết có chi phí lãi vay quá mức thông thường. Do đó cần có cơ chế kiểm soát để hạn chế doanh nghiệp FDI có lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế được đánh giá là nghiêng theo ưu đãi địa bàn hơn là lĩnh vực. Việc áp dụng ưu đãi theo lĩnh vực còn khó khăn về thủ tục.
Phó Tổng giám đốc Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam Bùi Ngọc Tuấn nhận định, các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao chưa có cơ chế ưu đãi hợp lý; các mức chính sách ưu đãi thuế còn cứng nhắc, nhiều trường hợp nhà đầu tư không tận dụng được ưu đãi thuế nên giảm sức thu hút đầu tư.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhắc phản ánh cho biết, Việt Nam có danh mục 75 hiệp định thuế quan đã ký với mức độ, phạm vi rất rộng và toàn diện. Song trên thực tế cộng đồng doanh nghiệp FDI phàn nàn việc giảm thuế theo các hiệp định ký kết chưa áp dụng tự động. Việc cơ quan thuế không hề ban hành bất kỳ văn bản nào xác nhận việc miễn, giảm thuế theo các hiệp định đã ký kết khi họ nhận “hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế” từ doanh nghiệp.
Về các vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính, Tổng cục thuế nghiên cứu, tham khảo để có biện pháp phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Về câu chuyện chuyển giá tại Việt Nam, báo cáo tại một hội nghị diễn ra cuối tuần qua, Ths. Nguyễn Anh Tuấn - Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Chuyên ngành VI cho rằng, chủ trương mở cửa hội nhập khuyến khích, thu hút vốn đầu tư trong những năm qua lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam ngày càng tăng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI nói chung đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, với mức đóng góp khoảng 20% GDP, khoảng 45% sản lượng công nghiệp và 1/4 tổng đầu tư xã hội hàng năm.
Tuy nhiên, đại diện KTNN cho rằng, khu vực FDI hiện chưa tạo được sức lan tỏa, mức độ động viên vào ngân sách nhà nước còn thấp, kèm theo đó là các doanh nghiệp FDI luôn báo lỗ và có dấu hiệu lạm dụng chính sách giá chuyển giao nội bộ để chuyển giá quốc tế.
"Với việc báo cáo lỗ như vậy, đa phần các doanh nghiệp này không phải đóng thuế, bên cạnh đó lợi dụng những kẽ hở trong những quy định dành cho doanh nghiệp FDI để đề nghị hoàn thuế... Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách sẽ mất một khoản thu không nhỏ", ông bình luận.
Số liệu khảo sát của KTNN tại một số địa phương cho thấy, các doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ thường tập trung vào các ngành nghề: gia công may mặc; da giày; sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu; công nghiệp chế biến... Đặc biệt, có đến 90% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP.HCM có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi.
"Mặc dù, thua lỗ triền miên song các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy, hoạt động chuyển giá đang diễn ra ngày càng phổ biến, đa dạng, trở thành thách thức lớn đối với cơ quan thuế Việt Nam", ông Tuấn nhìn nhận.
Phương Dung