Cơ cấu phát hành trái phiếu doanh nghiệp đến tháng 2/2020. Nguồn: SSI.
Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ mới cập nhật của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, dịch bệnh Covid 19 đã ảnh hưởng tiêu cực sâu rộng tới thị trường cổ phiếu và trái phiếu giai đoạn vừa qua.
Theo đó, những thông tin ban đầu về dịch bệnh bắt đầu xuất hiện từ tháng 1 và tình hình chuyển biến xấu dần sau thời gian nghỉ Tết. Các khuyến cáo hạn chế đi lại và các hoạt động tập thể ngay lập tức tác động tới nhiều lĩnh vực như du lịch, vận tải, hàng không, dầu khí và các ngành hàng xuất khẩu khiến cổ phiếu các ngành này đều giảm mạnh.
Diễn biến dịch bệnh khó lường, chuỗi cung ứng bị gián đoạn khi giao thương với Trung Quốc bị kiểm soát khiến cho hầu hết cổ phiếu các ngành khác cũng giảm theo mặc dù vẫn chưa thể lượng hóa tác động của dịch bệnh.
Về dòng vốn ngoại, sau khi mua ròng gần 2.000 tỷ đồng trong tháng 1, hiện tượng bán ròng quay trở lại và xuất hiện trong 18/20 phiên giao dịch của tháng 2, tổng giá trị bán ròng lên tới 3.132 tỷ đồng, mức lớn nhất ghi nhận trong 10 năm.
Không chỉ thị trường Việt Nam, hầu hết các thị trường mới nổi Châu Á cũng bị bán ròng như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines... Trong khi đó, giá vàng trong cùng kỳ tăng gần 7%, USD Index cũng tăng lên sát ngưỡng 100.
Dòng vốn tìm nơi trú ẩn đã tạm thời rút ra khỏi các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam. Xu hướng này phù hợp với bối cảnh hiện tại khi tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế toàn cầu rất khó lường.
Tuy vậy, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Chuyên gia kinh tế, Kinh tế trưởng CTCK SSI cho rằng vẫn có một lượng lớn tiền trên thị trường chờ đợi tái cơ cấu danh mục với kỳ vọng tốc độ lan truyền của dịch bệnh sẽ chậm lại khi thời tiết ấm hơn vào mùa hè và các gói hỗ trợ của Chính phủ sau đó.
Ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong tháng 2/2020 có 15 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng lượng phát hành là 5.574 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản phát hành 4.025 tỷ đồng, chiếm 72% lượng phát hành trong tháng.
Trước đó, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 1/2020 là 13.374 tỷ đồng trong đó nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành 7.364 tỷ đồng, tương đương 55% tổng lượng phát hành.
Lượng phát hành tháng 2 thu hẹp, chỉ bằng 41% lượng phát hành trong tháng 1/2020 dù số ngày làm việc nhiều hơn do tháng 1 có kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Qua đó phần nào phản ánh sự ảnh hưởng của dịch bệnh đến kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp.
Tổ chức phát hành nhiều nhất trong tháng 2/2020 là CTCP Đầu tư Phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam phát hành 1.943 tỷ đồng trái phiếu 5 năm chia làm 40 lô.
Trước đó, trong tháng 1/2020, doanh nghiệp này cũng đã phát hành 1.441 tỷ đồng trái phiếu 3 năm chia làm 30 lô. Toàn bộ đều có lãi suất cố định là 10,9%/năm và bên mua các cá nhân trong nước.
Lãi suất bình quân các lô phát hành trái phiếu bất động sản trong tháng 2 là 11%/năm, giảm so với mức bình quân 11,73% của tháng 1/2020.
Trong đó, lô phát hành có lãi suất cao nhất (12%/năm) là 50 tỷ đồng kỳ hạn 1 năm của CTCP Đầu tư và Phát Triển Ánh Dương Hòa Bình.
Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 2 tháng đầu năm 2020 là 19.398 tỷ đồng kỳ hạn bình quân 4.75 năm, lãi suất bình quân là 10.07%/năm.
Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 11.639 tỷ đồng (chiếm 60%). Nhóm doanh nghiệp khác phát hành 6.001 tỷ đồng (chiếm 31%) bao gồm Sovico phát hành 2.000 tỷ đồng, CTCP ô tô Trường Hải phát hành 2.000 tỷ đồng, Vinfast phát hành 950 tỷ đồng…
Các nhà đầu tư cá nhân mua 2.572 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 2, lũy kế 2 tháng 2020 mua 4.926 tỷ đồng trong đó mua trái phiếu bất động sản là 4.115 tỷ đồng, còn lại là mua trái phiếu TPB, MBS, TCBS.
Nguyễn Mạnh