Taxi truyền thống cho rằng việc coi Grab là doanh nghiệp taxi không hề ảnh hưởng đến việc “ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh”; “đi ngược xu thế 4.0”...
Tranh cãi chuyện định danh Grab
“Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và xe hợp đồng công nghệ, mà đỉnh điểm kiện tụng giữa hãng taxi Vinasun và Grab vẫn đang nóng bỏng và chưa có hồi kết.
Trong câu chuyện tranh cãi này, vấn đề mấu chốt vẫn là việc định danh những loại hình như Uber, Grab... là loại hình gì, có phải là doanh nghiệp kinh doanh vận tải hay không?
Về phía Grab, họ khẳng định mình chỉ là công ty công nghệ cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải, kết nối giữa các khách hàng có nhu cầu và những đối tác có xe.
Grab cho rằng, việc quy định tất cả đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải đã “đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thủ tục hành chính”.
Cũng đã có khá nhiều ý kiến của các chuyên gia, các quan điểm được đưa ra trên các diễn đàn đều “nghiêng” về phía ủng hộ Grab là công ty cung cấp phần mềm công nghệ.
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, xe Grab là kết quả của thời đại công nghệ 4.0, không thể bắt nó gắn mào hay bị siết quản lý như giống như taxi truyền thống.
Cùng quan điểm, TS. Lương Hoài Nam – một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng cho rằng taxi là taxi, còn Grab không phải taxi nên không thể nói về sự bình đẳng hay sự bất bình đẳng giữa hai loại hình vận tải khác nhau.
Theo chuyên gia này, doanh nghiệp taxi đang bị “trói” bởi nhiều điều kiện theo các quy định hiện hành, làm cho việc cạnh tranh với Grab rất khó khăn. Cuộc cạnh tranh này giống như một cuộc đấu giữa một người bị trói tay, chân, với một người mà tay, chân được tự do.
Tuy nhiên, thay vì siết quản lý Grab thì các cơ quan quản lý cần cởi trói tối đa cho doanh nghiệp taxi hiệu quả hoạt động hiệu quả hơn, có khả năng cạnh tranh tốt hơn.
Còn về phía taxi truyền thống, họ vẫn cho rằng Grab là hãng kinh doanh vận tải tương tự họ, chỉ khác là một bên là kết nối tổng đài và bên kia là kết nối mạng. Và khi không có điểm khác biệt quá lớn thì thì "taxi công nghệ" buộc phải áp dụng quy định kinh doanh như taxi truyền thống.
Ông Nguyễn Công Hùng – Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng đối chiếu với quy định của Luật giao thông đường bộ thì loại hình như Uber, Grab chính là hoạt động taxi.
Theo ông Hùng, có ý kiến bao biện rằng nếu coi Grab là taxi thì sẽ kìm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ 4.0 hoặc một số ý kiến cho rằng Grab tạo điều kiện cho người dân được đi taxi giá rẻ nên cần khuyến khích và mở rộng hoạt động.
“Tuy nhiên, Grab đang được hưởng lợi từ điều kiện kinh doanh không công bằng. Có thể nói việc hạ giá thành của Grab là dựa trên việc cắt giảm chi phí đối với người lao động (người lao động không được nộp BHXH, BHYT…) hay cắt giảm nghĩa vụ đối với NSNN (Grab không phải chịu thuế giá trị gia tăng vì được coi là kinh doanh phần mềm)”, ông Hùng cho hay.
Vị này cho rằng, việc coi Grab là doanh nghiệp taxi không hề ảnh hưởng đến việc “ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh”; “đi ngược xu thế 4.0” hay “xoá xổ Grab” như một số ý kiến đưa ra.
“Bởi vì theo chủ trương của Chính phủ, việc ứng dụng công nghệ không chỉ áp dụng với loại hình xe hợp đồng hay taxi mà với tất cả các loại hình vận tải. Như vậy các chủ thể liên quan sẽ tự điều chỉnh hình thức kinh doanh để thâm nhập thị trường. Nếu chỉ vì coi loại hình này như taxi mà Grab không phát triển được hoặc “bị xóa sổ” thì chứng tỏ trong suốt thời gian qua Grab phát triển được là do được hưởng quá nhiều những lợi thế từ chính sách đem lại chứ không phải do công nghệ mang lại”, ông Hùng cho biết.
Taxi truyền thống kể khổ, nêu lý do khó cạnh tranh nổi Grab
Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam cho biết, hiện nay các doanh nghiệp taxi tại Việt Nam đều đã áp dụng phần mềm công nghệ 4.0 do Việt Nam tự sản xuất với các tính năng tiên tiến. Nhưng do không được hưởng các điều kiện thuận lợi về điều kiện kinh doanh như Uber, Grab do vậy các phần mềm của doanh nghiệp taxi đã không phát huy được hiệu quả.
Taxi truyền thống nêu một loạt những điều kiện kinh doanh mà họ cho rằng đang có sự bất bình đẳng với Grab...
Vị này lý giải, chính vì chịu những điều kiện bất bình đẳng như vậy trong thời gian qua các doanh nghiệp, các hiệp hội taxi trên toàn quốc đã có rất nhiều văn bản kiến nghị đến các bộ, ngành đề nghị xem xét đúng loại hình kinh doanh như Uber, Grab để đưa ra chính sách quản lý cho đúng với thực tế.
Đến nay, qua 3 năm thí điểm với 6 lần chỉnh sửa dự thảo nghị định Bộ GTVT đã thống nhất xác định xe ô tô hoạt như Uber, Grab là loại hình taxi công nghệ chứ không phải xe hợp đồng điện tử, Uber và Grab là đơn vị kinh doanh vận tải chứ không đơn thuần là doanh nghiệp cung cấp phần mềm.
"Tuy nhiên Grab lại lấy danh nghĩa là bảo vệ cái mới, ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ thời đại 4.0 để ngụy biện, đưa ra những luận điểm nhằm đánh tráo khái niệm, thu lợi từ việc duy trì những điều kiện kinh doanh bất bình đẳng với taxi", ông Nguyễn Công Hùng cho biết.
Mới đây cả 2 phía Grab và Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đều đã có văn bản kiến nghị gửi tới lãnh đạo Chính phủ. Theo đó, đại diện Grab cho rằng nếu coi Grab là taxi, chiều theo ý muốn chủ quan của một số đơn vị taxi truyền thống mà bỏ qua những ích lợi và sự tiến bộ quan trọng đối với xã hội và nền kinh tế, sẽ thực sự là bước lùi, là cái cúi đầu trước 'những người công nhân giận dữ đòi đập phá máy móc' trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 của ngành vận tải.
Còn lãnh đạo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam khẳng định taxi truyền thống không cố tình bảo thủ, không bằng mọi giá bảo vệ quyền lợi của riêng mình, mà rất muốn mọi việc phải thật sự khách quan, minh bạch, đúng pháp luật và hợp lý, tránh tình trạng “chạy chính sách”, vì lợi ích nhóm, gây lộn xộn, thiệt hại cho Nhà nước và xã hội...
Nguyễn Khánh