Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát và ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tiêu thụ thép trong quý 3 đã phục hồi mạnh trong cả 3 mảng thép chính, bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép.
Mảng thép xây dựng đã có những dấu hiệu tích cực khi sản lượng bán hàng tăng 5,5% so quý trước và 8,8% so cùng kỳ trong quý 3.
Theo nhận định của VDSC, tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng lớn được đẩy mạnh trong quý 3. Điều này đã ảnh hưởng tích cực lên nhu cầu thép xây dựng.
Trong mảng tôn mạ, sản lượng xuất khẩu tăng trưởng mạnh đã thúc đẩy tổng tiêu thụ sản phẩm này.
Các nhà sản xuất Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 530 nghìn tấn, tăng 75,6% so với quý trước và 65,2% so với cùng kỳ, trong quý 3. Nhờ vậy, tiêu thụ tôn mạ đã tăng mạnh 15,2% so cùng kỳ, từ 952 nghìn tấn trong quý 3/2019 lên 1.100 nghìn tấn trong quý 3/2020.
Giới phân tích cho rằng, EVFTA và CPTPP đã phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng nhờ mức thuế thấp hơn.
Trong mảng ống thép, sản lượng bán hàng đã tăng đáng kể 11% so quý trước và 24% so cùng kỳ trong quý 3/2020. Mức tăng này được cho là nhờ nhu cầu tốt từ các hoạt động xây dựng dân dụng và công nghiệp.
Dễ thấy sự khởi sắc của ngành thép thông qua kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp trong ngành.
Cụ thể, Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) trong quý 3 vừa qua báo doanh thu tăng gần 63% lên 24.900 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.785 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất lịch sử của doanh nghiệp này.
Lũy kế 9 tháng đầu 2020, Hòa Phát đạt doanh thu 65.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 8.845 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 56% so cùng kỳ. Với kết quả này, tập đoàn của đại gia Trần Đình Long đã hoàn thành 98% kế hoạch năm.
“Ông vua” mảng tôn thép là Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) cũng khép lại quý kinh doanh mỹ mãn với sản lượng tiêu thụ quý 4 (niên độ tài chính 2019-2020, quý 4 từ 1/7 đến 30/9) với 525.227 tấn tăng 46% so với cùng kỳ. Doanh thu ước đạt 8.349 tỷ đồng, tăng 31%, lãi sau thuế hợp nhất ước 400 tỷ đồng, gấp 4,8 lần cùng kỳ 2019.
Lũy kế cả niên độ tài chính 2019-2020 (từ ngày 1/10/2019-30/9/2020), sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen tăng 9% so cùng kỳ, hoàn thành 108% kế hoạch.
Doanh thu của Hoa Sen trong niên độ này ước đạt 27.538 tỷ đồng, hoàn thành 98,4% kế hoạch nhưng lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.100 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ và gấp 2,8 lần chỉ tiêu kế hoạch năm và chính thức đưa tập đoàn của đại gia Lê Phước Vũ trở lại “câu lạc bộ nghìn tỷ” ở Việt Nam.
Với kết quả kinh doanh này, cổ phiếu HPG và HSG cũng bứt tốc rất mạnh, đưa tài sản của lãnh đạo doanh nghiệp tăng chóng mặt.
HPG đóng cửa phiên 23/10 với mức tăng 4,39% lên 30.900 đồng, tăng gần 61% so với thời điểm đầu năm. Nếu so với mức đáy hồi cuối tháng 3 thì HPG đã tăng gần 133%, tương ứng mức gia tăng tài sản của ông Trần Đình Long.
Ông Trần Đình Long hiện đang sở hữu 700 triệu cổ phiếu HPG. Theo thống kê của Forbes, giá trị tài sản của “ông trùm” ngành thép đang ở mức 1,5 tỷ USD.
Như vậy, ông Trần Đình Long vẫn là “tỷ phú USD” của Việt Nam dù rời khỏi danh sách những người giàu nhất thế giới do Forbes bình chọn trong 2 năm 2019, 2020. Thời điểm ông Long vào danh sách này hồi tháng 3/2018, tổng giá trị tài sản ròng của ông Trần Đình Long là 1,3 tỷ USD.
Tương tự, HSG của Hoa Sen mặc dù giảm nhẹ 0,32% xuống mức 15.400 đồng trong phiên cuối tuần, song cũng tạo ra “cơn sốt” trên thị trường trong năm qua. So với thời điểm đầu năm, giá cổ phiếu HSG đã tăng “sốc” 107% và thậm chí tăng tới 255,5% so với mức đáy của cuối tháng 3. Ông Lê Phước Vũ hiện đang nắm 74,3 triệu cổ phiếu HSG.
Mai Chi