Fica
  1. Doanh nghiệp

S&P: Techcombank dẫn đầu về vị thế vốn, xếp hạng tín dụng ổn định

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín Standard & Poor's Global Ratings (S&P) xác nhận mức xếp hạng tín dụng ổn định dành cho Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Theo đánh giá của S&P, trong 12 tháng tới, Techcombank tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu thị trường và kinh doanh ổn định. "Techcombank là một trong những ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam, với mức lợi nhuận cao hơn trung bình ngành và được quản trị tốt", S&P nhận xét.

Hãng xếp hạng này ghi nhận việc ngân hàng phân phối sản phẩm đa kênh, tăng cường nâng cấp quan hệ với khách hàng, cũng như cải thiện sản phẩm và quy trình thiết kế theo hướng cá nhân hóa, thông qua đẩy mạnh đa dạng hóa, số hóa các sản phẩm và dịch vụ tài chính. Nhờ đó, vị thế của Techcombank được hưởng lợi và nới rộng lợi thế cạnh tranh với đối thủ.

Theo đánh giá của S&P, chiến lược đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với các sản phẩm cho vay mua nhà, cho vay SME, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô… giúp Techcombank quản trị, đa dạng hóa được rủi ro. Tính đến hết quý II/2023, tín dụng cá nhân chiếm tới 41% dư nợ cho vay của ngân hàng.

"Chúng tôi dự đoán thu nhập ngoài lãi, bao gồm thu từ phí của ngân hàng sẽ tiếp tục đóng góp khoảng 1/4 tổng thu nhập hoạt động. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với các ngân hàng khác. Techcombank đóng vai trò quan trọng trong thị trường nợ, thẻ tín dụng, thanh toán và tiền mặt, bancassurance tại Việt Nam, qua đó tạo nguồn thu đáng kể từ phí", S&P cho hay.

Các thành tựu về số hóa đã giúp Techcombank duy trì vị thế hàng đầu trong ngành (Ảnh: TCB).

 

Về tăng trưởng tín dụng, nhà băng này được kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng toàn ngành (10-13%), nhờ vào vị thế vốn an toàn và vị thế thuận lợi để đón đầu các cơ hội tăng trưởng tại Việt Nam. Đến cuối tháng 6/2023, tỷ lệ an toàn vốn của Techcombank ở mức 15,1%, cao hơn nhiều so với mức quy định (8%) và đứng đầu toàn ngành.

Theo S&P, Techcombank có tỷ lệ thu nhập lõi/tài sản trung bình ở mức 3,2% trong 4 năm gần nhất, so với mức chỉ 1% của các ngân hàng khác. Đây cũng là ngân hàng có khả năng sinh lời đứng thứ 4 Việt Nam, tự duy trì tăng trưởng tài sản mà không cần phát hành thêm vốn.

Trong bối cảnh nợ xấu các ngân hàng tăng mạnh, có những ngân hàng chịu mức tăng lên đến 4-5%, S&P dự báo tỷ lệ nợ xấu của Techcombank có thể được kiểm soát trong vòng 12-18 tháng tới. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như cắt giảm lãi suất, các gói tín dụng hỗ trợ và ổn định thị trường trái phiếu sẽ giảm bớt rủi ro và tác động đối với ngành ngân hàng, thị trường nói chung.

Dưới góc nhìn của S&P, việc Techcombank tập trung vào mảng bán lẻ và SME sẽ giúp đa dạng hóa và phân tán rủi ro cho ngân hàng, thay vì tập trung vào một số lượng ít các doanh nghiệp lớn.

Ngân hàng được đánh giá sẽ duy trì khả năng huy động từ nhiều nguồn khác nhau trong vòng 12-18 tháng tới. Ngân hàng sẽ tiếp tục tận dụng tệp khách hàng thu nhập cao và rất cao, tăng cường triển khai các kênh số hóa và cải thiện dịch vụ khách hàng để duy trì thị phần tiền gửi.

Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) của Techcombank đạt mức 35% trên tổng tiền gửi vào cuối tháng 6/2023. Tỷ lệ này cao hơn so với trung bình ngành, vốn chỉ ở mức 19%. Khách hàng cá nhân đóng góp 70% tổng tiền gửi của nhà băng này, SME và doanh nghiệp lớn đóng góp phần còn lại tại thời điểm cuối tháng 6/2023.

Techcombank đánh dấu nửa đầu năm 2023 với tổng số lượng khách hàng lên tới 12,2 triệu, trong đó thêm khoảng 1,4 triệu khách hàng được thu hút mới, với tỷ trọng 45,3% gia nhập qua các kênh kỹ thuật số và 43,8% thông qua các đối tác trong hệ sinh thái. Số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân qua các kênh ngân hàng điện tử đã tăng lên 499,7 triệu trong quý II/2023, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm, trong khi tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 2,3 triệu tỷ đồng.

Theo công bố kết quả kinh doanh quý II, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 5.649 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, ngân hàng đạt 11.272 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương hơn 51% so với kế hoạch đặt ra cả năm. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng từ 32% cuối quý I lên mức 34,9% trong quý II. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 15,1% , tiếp tục duy trì vị thế đầu ngành.

Tin liên quan