Tỷ phú Phạm Nhật Vượng học bổng tại Nga
Năm 1987, ông Phạm Nhật Vượng thuộc lớp thanh niên ưu tú dành được học bổng tại Học viện địa chất Moscow, chuyên ngành kinh tế và địa chất, nhờ thành tích xuất sắc về toán học. Lúc còn sinh viên, ông Vượng cũng tập đi buôn, nhưng buôn bán kém, cứ càng buôn càng lỗ. Một thời gian sau, ông nhập hàng từ Việt Nam sang.
Những năm sau đó, ông Vượng đã trải qua rất nhiều thử thách mới thành lập được hãng mỳ Miniva. Tuy nhiên, cũng chỉ mất 1 năm để tỷ phú giàu nhất Việt nam cán mốc doanh số 1 triệu gói mỳ.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Đến năm 2004, mức tiêu thụ mỳ Mivina ở Ukraine đạt mức cao kỷ lục, 97% người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này. Từ thành công tại Ukraine, ông Vượng mở rộng nhà máy, tiếp đó đưa thương hiệu Mivina tới hơn 30 quốc gia khác trên toàn thế giới như: Estonia, Litva, Latvia, Moldova, Ba Lan, Đức, Israel...
Ngoài sản phẩm đầu tiên là mỳ ăn liền, ông còn sản xuất khoai tây nghiền, thành lập nhà máy chuyên sản xuất gia vị, nhà máy chuyên đóng gói, là các công ty con của Tập đoàn Technocom, tiền thân của Vingroup hiện nay.
Nữ tỷ phú ước mơ làm cô giáo
Lần đầu tiên nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ sáng lập Vietjet Air chia sẻ với truyền thông về hành trình kinh doanh từ cô sinh viên năm 17 tuổi cho tới hiện tại. Bà từng nhận được học bổng du học năm 17 tuổi. Theo bà, việc tiếp xúc với những luồng tư tưởng mới khi đi du học đã thay đổi hoàn toàn ước mơ thủa bé của mình.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo
Bà Thảo chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ: "Khi còn nhỏ, tôi ước mình sẽ là một cô giáo như mẹ tôi. Ước rằng sau khi tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định ở giảng đường, mua được căn chung cư và chiếc xe máy "cá vàng"... là đủ. Tuy nhiên, sau khi nhận học bổng du học, tiếp xúc với môi trường quốc tế lại ở ngay thời điểm các nước Đông Âu đang cải cách chính trị và kinh tế - perestroika - một sự thay đổi lớn lao đang diễn ra tại cái nôi của chủ nghĩa xã hội, và tôi nghĩ Việt Nam cũng sẽ thay đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường.
Trường Đại học Plekhanov tôi học là nơi các chính trị gia, các nhà kinh tế, tài phiệt hàng ngày tiếp xúc với nhau, thầy giáo tôi là chủ tịch quốc hội thời đó. Từ trong sâu thẳm, một sự thôi thúc bảo rằng tôi phải dấn thân mới có khả năng mang đến sự thay đổi, nên gác ước mơ riêng trở thành cô giáo của mình để quyết định làm kinh doanh. Khi đó tôi mới 18 tuổi, là sinh viên năm thứ hai.
Nữ tỷ phú có 2 bằng cử nhân, 1 bằng Tiến sĩ: Cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Moscow, Cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động trường Kinh tế quốc dân Moscow, tiến sĩ ngành điều khiển học kinh tế của học viện Mendeleev.
Cặp đôi tỷ phú Việt: Tiến sĩ, kỹ sư Đông Âu
Hai tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh đã đồng hành trong một thời gian dài từ những ngày đầu khởi nghiệp tại Đông Âu cho đến khi về Việt Nam.
Ông Nguyễn Đăng Quang (1963) là tiến sĩ vật lý hạt nhân sau 10 năm theo học tại Belarus và về Việt Nam công tác tại viện khoa học Việt Nam nhưng sau đó đã trở lại Nga vào thập niên 90 để kinh doanh thực phẩm.
Trong khi đó, ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, nguyên quán ở Thừa Thiên - Huế, tốt nghiệp kỹ sư điện tử tại đại học Bách khoa Kiev (Ukraine). Trong thời gian sống tại Đông Âu, ông Hùng Anh quen biết ông Nguyễn Đăng Quang và cùng nhau xây dựng đế chế Masan và sau đó đầu tư vào Techcombank.
Cả hai đều là những doanh nhân tự thân, làm giàu từ ngành hàng tiêu dùng và ngân hàng và gầy dựng được 2 tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam, thuộc top 10 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán TP.HCM với vốn hóa 100 ngàn tỷ đồng.
Ông Trần Đình Long sinh viên đại học kinh tế quốc dân
Ông Trần Đình Long, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG), người được biết đến là "ông vua thép" - vốn là cựu sinh viên khoa Toán Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông là một trong 10 cựu sinh viên NEU tiêu biểu và là một trong những doanh nhân hàng đầu của Việt Nam hiện nay.
Ông Trần Đình Long
Trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2021 mới được Tạp chí Forbes (Mỹ) công bố, ông Trần Đình Long cũng tái xuất trong bảng xếp hạng này sau lần đầu năm 2018. Hiện tại, tỷ phú thép sở hữu 2,2 tỷ USD, đứng thứ 1444 thế giới.
Ông Trần Đình Long từng tiết lộ là một học sinh giỏi văn và mê văn học cổ điển, thường có tên trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Tuy nhiên, bước vào ngưỡng cửa đại học, ông lại chọn ngành Toán kinh tế.
Ông Trần Bá Dương cựu SV ĐH Bách khoa TP.HCM
Năm 1978, ông Dương đỗ ĐH Bách khoa TP.HCM. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp ông làm kỹ thuật viên xưởng sửa chữa nhà máy đại tu ô tô Đồng Nai. Năm 1987, sau gần 4 năm làm việc ông trở thành quản đốc xưởng. Đến năm 1991, ông đảm nhiệm vị trí quản đốc xưởng sửa chữa - xí nghiệp cơ khí giao thông Đồng Nai.
Năm 1997, sau 14 năm gắn bó với ô tô, ông Dương quyết định nghỉ việc và thành lập xưởng sửa chữa riêng của mình. Đây là bước đệm tiền đề cho việc hình thành Công ty ô tô Trường Hải sau này.
Sự phát triển của đế chế Thaco ở Việt Nam giúp ông Trần Bá Dương chính thức lọt top tỷ phú đô la theo danh sách của Forbes năm 2018 với khối tài sản 1,8 tỷ USD ( khoảng hơn 40.000 tỷ đồng). Năm 2019, ông Dương tiếp tục đứng trong bản đồ tỷ phú thế giới với vị trí 1.349, tổng tài sản 1,7 tỷ USD.
Hiện, ông đang giữ chức Chủ tịch ban đại diện cộng đồng Cựu sinh viên Phú Thọ - Bách Khoa nhiệm kỳ 2020-2023.
Ông Trương Gia Bình giỏi văn mê triết
Ông Trương Gia Bình, doanh nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, vừa gây chú ý khi quyết định xây dựng trường nội trú để nhận nuôi dạy 1.000 trẻ em mồ côi cha mẹ vì dịch Covid-19. Số tiền mỗi năm dự kiến là khoảng 84 tỷ đồng, trường sẽ nuôi dạy các cháu đến 20 tuổi.
Ông Trương Gia Bình
Ông Trương Gia Bình sinh năm 1956 tại Nghệ An. Ông là một người học chuyên toán nhưng lại giỏi văn, mê triết. Có lẽ những tố chất đó giúp ông trở thành một người lãnh đạo.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Lomonosov, nhận được tấm bằng Tiến sĩ Toán Lý tại Nga, ông Trương Gia Bình đã quyết định về nước và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu tại Viện khoa học Việt Nam. Ông vẫn tiếp tục con đường làm nghiên cứu khoa học cho đến sự kiện năm 32 tuổi, có một sự kiện đã làm thay đổi cuộc đời ông.
Đó là thời điểm năm 1988, ông Bình quyết định thành lập Công ty Công nghệ Thực phẩm cùng với các kỹ sư và nhà khoa học khác. Công ty này chính là tiền thân của FPT ngày nay.
Vào năm 1995, ông Trương Gia Bình là người có công lớn thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, một địa chỉ đào tạo MBA (Thạc sĩ quản trị kinh doanh) quen thuộc và có uy tín tại Việt Nam.
Theo Bảo Anh
VietnamNet