Năm 2019, “siêu” Tổng công ty SCIC tiếp nhận 13 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước hơn 7.160 tỷ đồng.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều ngày 10/1, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC đã thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.
Theo đó, ông Chi cho biết kết thúc năm 2019, doanh thu SCIC đạt 6.760 tỷ đồng, trong đó doanh thu cổ tức đạt 4.407 tỷ đồng, còn lại doanh thu tài chính đạt 2.026 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.067 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2019, “siêu” Tổng công ty SCIC tiếp nhận 13 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước hơn 7.160 tỷ đồng.
Đề cập đến công tác bán vốn tại doanh nghiệp, ông Chi cho biết có 12 doanh nghiệp bán thành công.
Tuy nhiên, theo vị này, ngoài khó khăn về cơ chế thị trường, trong danh mục của SCIC có nhiều doanh nghiệp thuộc diện khó bán, bán nhiều lần không thành công.
Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp lớn như Vocarimex, Domesco… có cơ cấu cổ đông không thuận lợi (cổ đông lớn khác chiếm 51% trở lên) nên không hấp dẫn nhà đầu tư khi bán vốn.
Như vậy, đến tháng 12/2019, danh mục doanh nghiệp SCIC quản lý là 147 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước 29.366 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 99.894 tỷ đồng.
Sang năm 2020, Chủ tịch SCIC cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ bán vốn, trong đó ưu tiên bán vốn tại các doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ hoặc doanh nghiệp giám sát đặc biệt.
Ông Nguyễn Đức Chi cũng cho biết thêm, năm 2019, SCIC nghiên cứu gần 30 cơ hội đầu tư.
Trong đó có 1 dự án được phê duyệt chủ trương nhưng chưa thực hiện được vì nhiều lý do như tham gia đấu thầu dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.
Ngoài ra, SCIC cũng nghiên cứu cơ hội đầu tư lĩnh vực nước sạch, lĩnh vực tái tạo điện, BOT đường cao tốc, lĩnh vực bất động sản…
Riêng trong lĩnh vực bất động sản, ông Chi cho biết nghiên cứu cơ hội đầu tư dự án tại lô đất 262 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.
Nguyễn Mạnh