Fica
  1. Doanh nghiệp

Sau sắt, thép, đến lượt doanh nghiệp xi măng kêu khó nếu hạn chế nhập phế liệu

CTV Minh Khuyên
CTV Minh Khuyên

Cho rằng xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) vẫn là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành, trong đó có sản xuất xi măng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị chưa đưa mặt hàng trên vào danh sách phế liệu cấm nhập khẩu.

Đã có nhiều doanh nghiệp lên tiếng về lệnh siết nhập khẩu phế  liệu 

Kiến nghị này được Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đưa ra sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có dự thảo trình Chính phủ xin chủ trương sửa đổi quyết định số 73 năm 2014 của Thủ tướng quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất trong nước.

Tại dự thảo này, Bộ TN&MT đề nghị loại bỏ xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc sắt ra khỏi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu.

Theo VNCA, Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước đồng tình, ủng hộ và có định hướng lâu dài về việc nghiên cứu để sử dụng tối đa nguồn phế liệu, phế thải, sản phẩm phụ có nguồn gốc phế liệu, rác thải các loại của ngành công nghiệp khác… làm nguyên liệu trong sản xuất xi măng vì mục đích bảo vệ môi trường chung. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ clinker trong xi măng, giảm khai thác sử dụng tài nguyên, khoáng sản tự nhiên…

Tuy nhiên, liên quan đến xỉ cát, VNCA cho rằng dự định cấm hoặc tạm dừng việc nhập khẩu xỉ cát là chưa thực sự phù hợp với tình hình hiện nay cũng như về lâu dài mà chỉ nên đưa việc nhập khẩu mặt hàng này vào diện cần có kiểm soát. Bởi lẽ, về mặt pháp lý, các văn bản hiện hành của các cơ quan quản lý nhà nước cho phép nhập khẩu, xỉ cát không có yếu tố độc hại và thực chất nó là sản phẩm phụ của ngành sản xuất thép. Và như vậy, xỉ cát vẫn được nhập khẩu như các sản phẩm thông thường.

“Việc nhập khẩu có kiểm soát là nhằm mục đich khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam hay nói đúng hơn là tận dụng tối đa nguồn cung từ trong nước vì mục đích cộng đồng, vì lòng yêu nước và trách nhiệm xã hội mà các doanh nghiệp cần hướng tới”, VNCA nhấn mạnh.

Hiệp hội này nêu thực tế, hiện nay các nhà sản xuất xi măng trong nước đang sản xuất xi măng pha phụ gia xi cát và xi măng có hàm lượng lên đến 60-65% trong xi măng. Việc pha phụ gia này cũng đang trong quá trình thử nghiệm hoàn thiện công nghệ nên sử dụng chưa nhiều nhưng vẫn đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế.

VNCA dự báo, trong tương lai lượng xi hạt nhỏ trong nước sẽ không đủ đáp ứng cho nhu cầu ngành xi măng kể cả khi lượng xỉ đạt công suất đến hơn 7 triệu tấn/năm. Chính vì thế Hiệp hội này đề nghị Nhà nước nghiên cứuu để chính thức đưa hạt xỉ nhỏ thành sản phẩm phụ của ngành sản xuất thép, tạo điều kiện cho việc lưu thông vận chuyển dễ dàng.

Ngoài ra, VNCA cũng đề nghị Bộ TN&MT xem xét sửa đổi chủ trương theo hướng đưa việc nhập khẩu xỉ hạt nhỏ vào danh mục hàng hóa nhập khẩu có kiểm soát. Việc kiểm soát này cũng được tiến hành theo lộ trình căn cứ theo tình hình diễn biến cung cầu trong nước.

Trước đó, trong một văn bản gửi tới Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng kiến nghị tiếp tục được xem xét gia hạn và cấp mới giấy phép nhập khẩu sắt thép vụn để đảm bảo cho các nhà máy thép đang hoạt động. Cùng với đó, VSA đề nghị xây dựng và ban hành các chế tài xử nghiêm minh đối với các đơn vị nhập khẩu sắt thép vụn vi phạm quy định, pháp luật, gây tác động không tốt với môi trường, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Hiệp hội này đánh giá sản xuất thép từ sắt thép vụn là công nghệ thân thiện với môi trường vì công nghệ này đã sử dụng nguồn nguyên liệu tái tạo để sản xuất ra sản phẩm với năng lượng tiêu thụ và phát thải khí nhà kính chỉ bằng 1/5 so với sản xuất từ nguồn nguyên liệu quặng sắt.

Bên cạnh đó, sản xuất thép từ phế liệu còn tiết kiệm được tài nguyên đảm bảo phát triển bền vững, nhất là khi trữ lượng quặng sắt của thế giới được dự báo chỉ đáp ứng cho sản xuất trong vòng 70 năm nữa. VSA cho hay thời gian gần đây, Trung Quốc cũng đang tái cấu trúc lại ngành công nghiệp thép, trong đó khuyến khích sản xuất bằng công nghệ lò điện dùng nguyên liệu sắt thép vụn.

H.Anh 

 

Tin liên quan