Theo nguồn tin của Dân trí, ngày 29/3, Công ty Cổ phần PVI (mã PVI) đã tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên 2019.
Tại Đại hội lần này, Đại hội cổ đông đã thống nhất nới room ngoại lên 100% thay vì giới hạn tỷ lệ 49% như hiện nay. Để có kết quả này, Đại hội cổ đông thống nhất thay đổi ngành nghề kinh doanh.
Đại hội cổ đông thống nhất phương án tăng số thành viên Hội đồng quản trị từ 8 lên 9 người. Chủ tịch PVcombank cũng đã ngừng giới thiệu thành viên vào Hội đồng quản trị PVI.
Đại hội cổ đông của PVI cũng thông qua việc từ nhiệm của ông Tôn Thiện Việt với lý do nghỉ hưu theo chế độ. Ông Nguyễn Anh Tuấn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị PVI và đề xuất ông Nguyễn Xuân Hoà, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thay thế. Đồng thời ông Tuấn đề cử ông Dương Thanh Danh đại diện cho HDI Global SE làm Phó chủ tịch của PVI.
Kết quả là TS. Hinsch, ông Nguyễn Xuân Hoà và bà Bùi Thị Nguyệt trúng cử với số phiếu cao nhất và đây cũng là 3 uỷ viên Hội đồng quản trị mới của PVI.
Cuối đại hội, Hội đồng quản trị PVI đã công bố kết quả ông Nguyễn Xuân Hoà trúng cử chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Dương Thanh Danh giữ chức Phó chủ tịch và ông Nguyễn Anh Tuấn làm Chủ nhiệm Ủy ban Chiến lược kế hoạch của Hội đồng quản trị.
Trước đó, Dân trí đã đưa tin về việc Quỹ ngoại HDI Global SE có thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc tại PVI cổ đông cũ lại được đề cử, trên cơ sở lạm dụng quyền hạn, vẫn tiếp tục tham gia vào Hội đồng quản trị với tư cách là người đại diện của PVCombank ngay cả sau khi ngân hàng này đã thoái toàn bộ vốn khỏi PVI.
Theo phía HDI, tại PVI, thành viên do cổ đông cũ đề cử, trên cơ sở lạm dụng quyền hạn vẫn tiếp tục tham gia vào HĐQT với tư cách là người đại diện của PVCombank ngay cả sau khi ngân hàng này thoái vốn toàn bộ khỏi PVI.
Ngoài ra, tại công văn này, phía HDI cho hay, các cổ đông lớn khác tại PVI như Funderburk Lighthouse Limited và CTCP Đầu tư Đường Mặt trời đã nhiều lần đệ trình các đề nghị lên HĐQT yêu cầu tăng tổng số thành viên HĐQT cũng như yêu cầu có quyền đề cử ứng viên của mình cho chức danh thành viên độc lập trong HĐQT để tiến hành bầu chọn nhưng cuối cùng các cổ đông lớn này cũng đều thất bại.
Phản hồi về những thông tin từ phía HDI đưa ra, tại thời điểm trước khi diễn ra Đại hội, Chủ tịch PVI Nguyễn Anh Tuấn cho biết, HĐQT PVI đã bổ sung nội dung chương trình họp và thông báo cho các cổ đông lớn đó về việc đã bổ sung nội dung chương trình.
Về việc HDI Global SE "tố" Hội đồng quản trị PVI lạm quyền, làm sai nguyên tắc quản trị doanh nghiệp, theo ông Tuấn, những vấn đề mà HDI nêu từ trước đến nay chưa từng được phản ánh trước Hội đồng quản trị cũng như Đại hội cổ đông.
Ông Tuấn cũng khẳng định, Hội đồng quản trị PVI thực hiện theo đúng các quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty.
"Ngoài ra, về phương diện là những người đại diện vốn Nhà nước và đang nắm quyền quản trị, điều hành tại PVI thì chúng tôi phải thực hiện theo đúng các Nghị quyết của Tập đoàn Dầu khí để làm sao bảo vệ lợi ích của Nhà nước trong giai đoạn Nhà nước thoái vốn tại PVI”, ông Tuấn nhấn mạnh và cho rằng, trong quá trình thoái vốn thường có nhiều vấn đề phức tạp liên quan tới lợi ích của các cổ đông/ nhóm cổ đông khác nhau.
Quỹ ngoại HDI Global SE được sở hữu 100% Tập đoàn Bảo hiểm Talanx. Hiện tại HDI Global đang là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 83,71 triệu cổ phiếu PVI, tương ứng 36,22% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành, và cũng là cổ đông lớn nhất của PVI. Tính cả số cổ phần gián tiếp nắm giữ thông qua một công ty khác, HDI hiện sở hữu hơn 47% cổ phần của PVI.
PVN đang nắm 35,47% tại PVI tương ứng với 81,9 triệu cổ phiếu - là cổ đông lớn thứ 2 sau HD Global SE. PVI hiện được niêm yết trên HNX với giá khoảng 36.200 đồng/cổ phiếu tương ứng giá trị vốn hoá vượt 8.300 tỷ đồng.
Phương Dung