Tổng doanh thu thuần hợp nhất trong quý III của Gang thép Thái Nguyên là 2.604 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do việc nắm giữ hàng tồn kho giá cao trong khi giá thép thế giới giảm. Doanh thu lũy kế 9 tháng năm 2021 đạt 9.525 tỷ đồng, giảm nhẹ 110 tỷ đồng so với năm 2021.
Do giá thép thế giới hạ nhiệt, giá bán đầu ra của Gang thép Thái Nguyên đã giảm tương ứng. Dù vậy, giá vốn hàng bán tiếp tục cao đã dẫn đến lãi gộp quý III/2022 đạt vỏn vẹn 44 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ và trong quý III doanh nghiệp lỗ sau thuế 25 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 7 tỷ đồng.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, sự sụt giảm nhu cầu về thép bắt nguồn từ những lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu cũng như tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt, các hành động siết van tín dụng làm ngành bất động sản - đầu ra trọng yếu của ngành thép gặp nhiều khó khăn. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) được ghi nhận ngày 19/10/2022 đã giảm về mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm khi các ngân hàng trung ương toàn cầu nâng lãi suất để ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát.
Nguồn: TradingEconomics
Yếu tố giá thép giảm sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành sản xuất thép nói chung do chi phí nguyên vật liệu đầu vào chiếm từ 65% đến 75% giá thành sản xuất, đặc biệt trong ngành tôn mạ, giá thép cuộn cán nóng (HRC) chiếm hơn 80% chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Khi thép được nhập về ở mức giá cao, việc giá thép bán đầu ra giảm từ 300.000 - 450.000 đồng/tấn sẽ làm biên lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp sản xuất thép hẹp lại. Đây là rủi ro phần nào đã được các doanh nghiệp sản xuất thép và nhà đầu tư đã lường trước.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận của Gang thép Thái Nguyên còn bị thu hẹp hơn do gia tăng giá than đầu vào. Giá than thế giới đang ở vùng giá cao nhất trong 5 năm trở lại.
Nguồn: Thị trường hàng hóa
Tại ngày 30/9, tổng tài sản Gang thép Thái Nguyên đạt 10.512 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 200 tỷ đồng so với cùng kỳ do tổng giá trị nguyên vật liệu đầu vào và thành phẩm tồn kho tăng 47% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp nói riêng và toàn ngành nói chung sẽ gặp nhiều khó khăn với mức giá vốn hàng bán cao trong bối cảnh nhu cầu thị trường giảm.
Tiền, tương đương tiền của doanh nghiệp đã giảm về mức thấp nhất trong 4 năm gần đây.
Đến hết quý III, tổng giá trị tài sản cố định dở dang của công ty vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp.
Hiện nay, Gang thép Thái Nguyên đã thành công kiến nghị xin cấp phép tái khởi động dự án giai đoạn II, khoanh nợ gốc và xóa nợ lãi đối với các khoản vay do nếu dự án không được tiếp diễn sẽ làm 4.000 lao động mất việc làm, thất thoát 1.200 tỷ đồng vốn Nhà nước. Chiến lược trọng tâm nhất của doanh nghiệp trong các năm tới chính là tiếp tục triển khai thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II này.
Các khoản phải thu giảm 40% so với đầu năm nhờ công ty đã quyết toán được nhiều khoản phải thu từ các công ty TNHH về thương mại và xây dựng trong nước. Cùng với đó, giá trị khoản phải trả người bán tăng 44% là tín hiệu tốt về khả năng quản lý dòng tiền của doanh nghiệp giữa bối cảnh khó khăn chung của ngành.
Tổng nợ vay tài chính (chủ yếu nợ vay ngân hàng) và nợ vay khác giữ nguyên ở mức cao giống các quý trong quá khứ. Khoản vay này được sử dụng để tài trợ cho hoạt động mở rộng nhà máy giai đoạn II.
Trong bối cảnh ngành thép nói chung gặp khó khăn, việc công ty có thể điều tiết dòng tiền hiệu quả để giữ ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như hoàn thiện thi công nhà máy sẽ là một thử thách lớn với ban lãnh đạo doanh nghiệp. Dự án mở rộng sản xuất nhà máy nếu được hoàn thành sớm sẽ là tiền đề vững chãi để nâng sản lượng thép đầu ra và hướng tới thị trường xuất khẩu khi nền kinh tế toàn cầu không còn những lo ngại về một cuộc suy thoái diện rộng.
Dương Hoàng