Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn TNHH Một thành viên (Samco) đã gửi báo cáo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này lên UBND TPHCM.
Theo báo cáo, Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe chuyên dùng được Hội đồng thành viên Samco phê duyệt vào tháng 7/2014. Dự án được xây dựng tại lô E3, E4 đường số 10, KCN Cơ khí ô tô TPHCM (huyện Củ Chi). Ngày 5/1/2017 Hội đồng thành viên Samco đã phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành với giá trị quyết toán là hơn 98,6 tỷ đồng.
Dòng xe khách Fuso Rosa “ăn khách” được thị trường ưa chuộng.
Trước khi phê duyệt quyết toán dự án nói trên, Hội đồng thành viên Samco cũng đã phê duyệt Dự án mở rộng nhà máy sản xuất xe chuyên dùng vào tháng 12/2015. Dự án mở rộng nhà máy cũng được thực hiện trên phần đất thuộc lô E3, E4 với giá trị thực hiện dự án tính đến tháng 5/2018 là hơn 39 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến tháng 5/2018 thì Samco đã đầu tư hơn 137 tỷ đồng vào hai dự án nói trên. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì cái tên “Nhà máy ô tô chuyên dùng Samco” hiện nay chính là “Nhà máy ô tô thương mại Samco (SCV)” trước đây.
Nhà máy ô tô thương mại Samco (SCV) là nơi đã sản xuất ra dòng xe khách Fuso Rosa “đình đám”. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Mercedes Benz Việt Nam và Samco. Dòng xe khách Rosa từ 24 – 29 chỗ ngồi được sản xuất theo công nghệ chuyển giao từ Mitsubishi Fuso nhằm đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng trên toàn cầu.
Samco đầu tư máy móc, nhà xưởng trị giá hàng trăm tỷ đồng để sản xuất dòng xe Fuso Rosa.
Tháng 11/2014, nhằm thực hiện quá trình chuyển giao công nghệ từ phía Nhật Bản nên Samco đã xây dựng nhà máy tại lô E3, E4 ở KCN Cơ khí ô tô TPHCM với công suất khoảng 1.000 xe/năm.
Tuy nhiên, một đại diện nhà máy sản xuất ô tô chuyên dùng Samco xác nhận, việc sản xuất xe khách Fuso Rosa đã ngừng hoạt động và hiện tại, chỉ có lô E3 là đang sản xuất ô tô chuyên dùng, còn lô E4 chỉ hoạt động sản xuất nhỏ.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2017 của Samco lên UBND TPHCM cũng nêu rõ, doanh thu của Nhà máy ô tô thương mại Samco (SCV) trong năm 2016 là hơn 30 tỷ đồng, lỗ hơn 37 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu đạt hơn 51 tỷ đồng, lỗ hơn 1 tỷ đồng.
“Nhà máy ô tô chuyên dùng Samco” hiện nay chính là “Nhà máy ô tô thương mại Samco (SCV)” trước đây cùng nằm tại lô E3, E4 Khu công nghiệp Cơ khí ô tô TPHCM (huyện Củ Chi). Ảnh: Đại Việt
Theo Samco thì trong năm 2017, hoạt động sản xuất kinh doanh tại Nhà máy ô tô thương mại Samco (SCV) đã có khoảng thời gian tạm ngừng do tình hình thị trường tiêu thụ và sự thay đổi chính sách của Mercedes Benz Việt Nam, điều này gây ra sự sụt giảm sản lượng sản xuất của nhà máy.
Đồng thời, do yêu cầu đặc thù của của vật tư tiêu hao đối với dòng xe Fuso Rosa, yêu cầu về lượng đặt hàng tối thiểu của nhà cung cấp và kế hoạch sản xuất không ổn định đã tạo ra một số vật tư tiêu hao tồn kho sau sản xuất.
Ngay sau khi Samco có phần “lúng túng” trong kế hoạch sản xuất xe khách Fuso Rosa thì một “ông lớn” trong ngành ô tô Việt Nam là Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã vào cuộc.
Sau khi không tiếp tục sản xuất dòng xe Fuso Rosa thì Samco tiếp tục sản xuất ô tô chuyên dùng. Ảnh: Đại Việt
Tháng 12/2017, Thaco và Công ty Daimler Châu Á thuộc Tập đoàn Daimler (đơn vị sở hữu Mercedes Benz và Mitsubishi Fuso) đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ và phân phối xe khách, xe tải mang thương hiệu Fuso tại Việt Nam.
Theo đó, Thaco nhận chuyển giao toàn bộ mảng kinh doanh xe khách, xe tải Fuso từ Công ty Mercedes Benz Việt Nam, bao gồm thiết bị, sản phẩm xe, linh kiện phụ tùng, nhân sự, hệ thống đại lý và có trách nhiệm kế thừa dịch vụ sau bán hàng từ 1/1/2018.
Cụ thể, Thaco tiếp tục nhận bảo hành, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế đối với khách hàng đang sở hữu xe tải, xe khách Fuso tại Việt Nam và tổ chức bán hàng.
Bên cạnh đó, Thaco cũng ký trực tiếp với Tập đoàn Mitsubishi Fuso hai hợp đồng chuyển giao công nghệ và phân phối xe.
Hiện nay, Nhà máy ô tô chuyên dùng Samco chỉ sản xuất chính ở lô E3, còn lô E4 chỉ sản xuất nhỏ. Ảnh: Đại Việt
Qua đó, Thaco sẽ tổ chức sản xuất, lắp ráp tất cả các chủng loại xe tải Fuso, mẫu xe khách Rosa và sử dụng động cơ, cụm linh kiện chính yếu để sản xuất, lắp ráp các loại xe khách khác. Đồng thời sản xuất linh kiện phụ tùng nội địa hóa theo tiêu chuẩn của Tập đoàn Mitsubishi Fuso Nhật Bản và Daimler Đức.
Như vậy, việc sản xuất xe khách Fuso Rosa đã về tay Thaco sau khi Samco đầu tư hàng trăm tỷ đồng để sản xuất dòng xe này. Điều này chứng tỏ sự “thất bại” về đầu tư của Samco, một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.
Đại Việt – Công Quang