Như Dân trí đã đưa tin, ngày 12/5 báo chí Nhật Bản loan tin, lãnh đạo của hãng sản xuất nhựa Tenma (có trụ sở tại Tokyo) đã khai báo với cơ quan chức năng Nhật Bản rằng một công ty con của hãng tại Việt Nam đã đưa hối lộ quan chức Việt Nam số tiền 25 triệu Yên (tương đương khoảng 5,4 tỷ đồng).
Công ty nhựa Tenma (Bắc Ninh) đang dính đến nghi án đưa hối lộ quan chức Việt Nam 5,4 tỷ đồng để đổi việc phải nộp thuế VAT 400 tỷ đồng
Việc đưa hối lộ này được phía doanh nghiệp Nhật nói là để doanh nghiệp này không phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) 400 tỷ đồng. Hiện phía Việt Nam đang điều tra để làm sáng tỏ vụ việc nói trên.
Ngoài nghi án đưa hối lộ 25 triệu Yên cho quan chức Việt Nam của Tenma đang được cơ quan công an điều tra, trước đó, Việt Nam đã từng rúng động với hai vụ đưa, nhận hối lộ rất lớn. Đáng nói, cả hai vụ này đều xuất phát từ cơ quan điều tra của Nhật Bản đưa ra.
Cụ thể, năm 2008, vụ đưa hối lộ của công ty PCI (Nhật Bản) cho quan chức cấp cao TP. HCM để thắng thầu dự án phát triển hạ tầng có sử dụng vốn viện trợ ODA của Nhật.
Số tiền hối lộ được PCI đưa cho các quan chức Việt Nam là hơn 820.000 USD (18,8 tỷ đồng). Ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây TP.HCM được xác định là người nhận số tiền hối lộ nói trên.
Vụ đưa và nhận hối lộ xảy ra ở dự án đại lộ Đông Tây đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà tài trợ ODA, trong đó có Nhật Bản. Thời điểm đó, tại Hội nghị nhóm các nhà tư vấn, tài trợ cho Việt Nam, phía Nhật đã tạm dừng một số dự án ODA của nước này trong năm 2008 và xem xét lại việc thực hiện vốn ODA của Nhật ở Việt Nam.
Sau 3 năm từ khi vụ đưa và nhận hối lộ được Nhật Bản điều tra năm 2008, ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị tuyên phạt tù chung thân.
Ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây TP.HCM bị xử chung thân
Năm 2015, một vụ đưa và nhận hối lộ liên quan đến các nhà đầu tư Nhật Bản cũng xảy ra ở Tổng công ty đường sắt Việt Nam. Cụ thể 6 cán bộ thuộc Ban Quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (RPMU) bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm tù giam do nhận số tiền 16 tỷ đồng từ nhà thầu JTC Nhật Bản trong Dự án xây dựng đường sắt đô thị số 01 Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên).
Các đối tượng bị bắt giữ và phạt tù trong vụ án này là ông Phạm Hải Bằng, nguyên Phó Giám đốc RPMU, ông Nguyễn Nam Thái, nguyên Trưởng phòng thực hiện dự án 3, ông Phạm Quang Duy, nguyên Phó Giám đốc RPMU, ông Trần Quốc Đông, nguyên Giám đốc RPMU, ông Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Giám đốc RPMU và ông Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc RPMU...
Vụ việc này khiến phía Nhật Bản yêu cầu Việt Nam điều tra, xử lý rõ sai phạm của các cá nhân liên quan, đồng thời xem xét các điều kiện mới cung cấp vốn ODA cho Việt Nam.
An Linh