Fica
  1. Doanh nghiệp

Rạp chiếu phim ở TPHCM "kiệt sức" sau 7 tháng bất động

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trong 10 tháng qua, các rạp chiếu phim tại TPHCM đã đóng cửa gần 7 tháng. Các doanh nghiệp mong chờ được mở cửa trở lại vì nguồn tài chính cạn kiệt.

Doanh thu bằng 0 nhưng phải "gồng" nhiều thứ

Ông Lê Hoàng Minh - đại diện hệ thống rạp BHD Star - cho biết TPHCM nới lỏng giãn cách là điều rất vui đối với người dân và doanh nghiệp tại thành phố, nhưng với các rạp phim vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn.

Theo ông Minh, vào năm 2020, doanh thu của rạp chiếu phim giảm 70% so với bình thường sau những lần đóng cửa kéo dài.

Đến năm nay, các rạp tiếp tục đóng cửa 2 lần. Lần thứ nhất vào tháng 2 (tết Nguyên đán - đây là thời điểm rạp có doanh thu cao nhất trong năm) và lần thứ hai từ tháng 5 đến nay.

"Việc đóng cửa kéo dài đã khiến tài chính của cụm rạp cạn kiệt, doanh thu bằng 0. Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải lo tiền lương cho nhân viên, tiền bảo dưỡng trang thiết bị, máy móc của rạp, lãi vay ngân hàng cùng nhiều chi phí khác" - ông Minh cho hay.

Rạp chiếu phim ở TPHCM kiệt sức sau 7 tháng bất động - 1

Các rạp chiếu phim tại TPHCM đóng cửa kéo dài. Trong 10 tháng đầu năm, các rạp đóng cửa gần 7 tháng (Ảnh: Đại Việt).

Cũng theo ông Minh, nhân sự của công ty đang rời đi dần để tìm công việc mới, do họ chưa biết khi nào hệ thống rạp được mở cửa trở lại.

Ông Minh nhận định, nếu việc đóng cửa tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh, rạp chiếu phim sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản rất cao, đặc biệt là doanh nghiệp Việt có vốn vừa và nhỏ.

Còn theo đại diện hệ thống rạp chiếu phim CGV, đợt dịch thứ 4 bùng phát, không chỉ CGV mà tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này đều gặp rất nhiều gian nan. Một trong những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp chính là dòng tiền. Doanh thu phòng vé gần như bằng 0 nhưng hệ thống vẫn phải gồng gánh nhiều chi phí suốt thời gian đóng cửa.

Cũng theo đại diện nhiều rạp chiếu phim lớn tại TPHCM, các đơn vị hầu như đã kiệt quệ về tài chính. Nếu buộc phải đóng cửa đến tháng 1/2022, các doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Các rạp chiếu phim mong muốn không bị đánh đồng với các loại hình dịch vụ khác như karaoke, bar, massage, bởi đây là ngành kinh doanh mang lại nhiều giá trị văn hóa, tinh thần cho người dân.

Mong được mở cửa, hoạt động an toàn

Ông Lê Hoàng Minh - đại diện BHD Star - chia sẻ đơn vị này mong muốn Chính phủ sớm cho phép các rạp chiếu phim được mở cửa trở lại. Doanh nghiệp cam kết sẽ luôn tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của Bộ Y tế, Chính phủ.

Cụ thể, các rạp sẽ luôn tuân thủ 5K, nhân viên làm việc tại rạp đều phải tiêm 2 mũi vaccine, khách vào rạp phải có thẻ xanh mới được mua vé. Ông Minh cho rằng, người dân đi xem phim sẽ an toàn hơn nhiều so với các địa điểm công cộng khác vì họ được bố trí ghế ngồi phù hợp và giữ được khoảng cách cần thiết.

Rạp chiếu phim ở TPHCM kiệt sức sau 7 tháng bất động - 2

Các rạp chiếu phim mong muốn được mở cửa trở lại (Ảnh: Đại Việt).

Còn theo đại diện của CGV, đơn vị này hy vọng chủ trương mới của Chính phủ sẽ cho phép các rạp chiếu phim được hoạt động vào giai đoạn 2, khi nhóm các trung tâm thương mại được mở cửa trở lại.

Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, rạp phim được phép hoạt động, CGV sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc 5K và các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.

Cụ thể, đơn vị này sẽ xịt khử khuẩn cho rạp hàng ngày bằng các thiết bị chuyên dụng; trang bị đầy đủ dụng cụ khử khuẩn cho nhân viên, khách hàng; khuyến khích khách hàng đặt vé trực tuyến, sử dụng vé xem phim điện tử để hạn chế tiếp xúc...

Ngoài ra, rạp nói trên cũng sẽ áp dụng các biện pháp giãn cách tại khu vực sảnh, quầy vé, quầy bán bắp, nước; đồng thời thực hiện giãn cách trong phòng chiếu theo đúng quy định để đảm bảo an toàn cho nhân viên, khách hàng. 

Cũng theo nhiều rạp chiếu phim lớn tại TPHCM, các đơn vị mong muốn được mở cửa trở lại từ tháng 11 tới. Các rạp sẽ áp dụng những tiêu chí an toàn cao nhất đối với nhân viên của mình như 100% người lao động phải tiêm ít nhất một mũi vaccine, kiểm tra nhiệt độ hàng ngày, thực hiện 5K, test nhanh thường xuyên.

Đồng thời, các tổ an toàn phòng chống dịch do doanh nghiệp lập ra sẽ có vai trò giải quyết, xử lý những trường hợp nghi mắc hoặc mắc Covid-19 xuất hiện tại rạp.

Mới đây, 20 công ty sản xuất phim đã gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị được phục hồi sản xuất từ ngày 15/10, do các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản vì dừng hoạt động kéo dài.

Trong công văn gửi Thủ tướng, các công ty sản xuất phim cho biết họ không xin hỗ trợ tài chính mà chỉ xin cơ chế để hoạt động trong bối cảnh bình thường mới.

Các đơn vị mong muốn được hoạt động trở lại với các biện pháp phòng chống dịch như: thu hẹp quy mô sản xuất, 100% nhân sự tham gia công việc phải tiêm vaccine và xét nghiệm âm tính, thực hiện xét nghiệm PCR gộp theo nhóm 10 người, test nhanh từng người 7 ngày/lần.

 Đại Việt

Tin liên quan