Tại Hội thảo “Diễn đàn Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa” được tổ chức sáng nay 30/11 tại Hà Nội.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều khi chúng ta chưa kịp mừng vì cổ phần hóa được DNNN thì đã phải lo về quản trị nó hậu cổ phần hóa.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế
"Hiện nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ vốn nắm giữ của Nhà nước vẫn từ 50% đến hơn 60%, tức là nắm giữ và chi phối mọi mặt hoạt động, vẫn giữ bộ máy ấy, lãnh đạo ấy và con người ấy nhưng được gọi tên là cổ phần hóa", ông Ánh nói.
Theo TS Vũ Đình Ánh: "Bản chất sở hữu doanh nghiệp trên thế giới chủ yếu tồn tại hai hình thức sở hữu Nhà nước và sở hữu tư nhân. Chúng ta sở hữu doanh nghiệp hậu cổ phần là hỗn hợp nên không thể "copy" các kỹ năng của thế giới để áp dụng được", ông Ánh.
Điều ông Ánh lo ngại hiện nay là các tiêu chuẩn quốc tế được cho là áp dụng các doanh nghiệp sau cổ phần chỉ mang tính hình thức. Tuy nhiên, khoảng cách giữa hình thức và thực tế không giống nhau.
"Chúng ta có cái vỏ là áp dụng kỹ năng quản trị, quản lý theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thực tế mới quan trọng, chúng ta có cái ruột lại là Việt Nam, vẫn là lãnh đạo DN cũ", ông Ánh nói.
Hai ví dụ điển hình được TS Ánh đưa ra để chứng minh cho kỹ năng quản trị yếu kém và mang nặng cơ chế cũ phi thị trường và thiếu sự kiểm soát là: Tổng công ty Viễn thông Mobifone bỏ số tiền lớn để "mua hớ" AVG và trường hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với TKV (Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam) bất đồng trong cơ chế thanh toán và giá bán than đang gây ồn ào dư luận.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, kỹ năng quản trị doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần đang bộc lộ điểm yếu cơ bản.
Ông này cho rằng, hiện thế giới có hai cấp độ quản trị doanh nghiệp, một là không cần Ban kiểm soát và hai là có Ban kiểm soát nhưng kiểm soát độc lập, kiểm soát cả thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT).
Theo ông Lực, hiện hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng hình thức thứ 2 nhưng Ban kiểm soát thuộc HĐQT và không có nhiều quyền hạn và yếu kém năng lực kiểm soát nên dường như là tàng hình trong các vấn đề của doanh nghiệp Nhà nước.
Theo vị chuyên gia về tài chính ngân hàng: Có rất nhiều vấn đề trong kỹ năng quản trị của doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam sau cổ phần đó là tính kỷ luật, minh bạch và công bằng chưa được thực hiện hoặc thực hiện nửa vời cho có.
"Tiêu chuẩn của WB, OECD thì cổ đông nhỏ phải có sự công bằng trong các quyết sách như các cổ đông đa số, còn ở Việt Nam, các quyết sách vẫn nằm trong tay cổ đông lớn. Thậm chí quyền lực tập trung vào một người là Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, thế giới đã chứng minh rằng điều này là sai bởi vì tập trung quá nhiều quyền và việc làm vào một người sẽ bỏ quên tầm nhìn, chỉ tập trung vào sự vụ, sự việc", ông Lực nói.
An Linh