Fica
  1. Doanh nghiệp

"Phát lộ" thủ đoạn "đại bàng" Trung Quốc gắn mác hàng hóa Việt Nam

Đại diện C03 - Bộ Công an nêu một số thủ đoạn mới của doanh nghiệp Trung Quốc khi chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam, đó là "mượn cớ" sản xuất nhưng thực chất chỉ là gắn mác "made in Vietnam"...

Thông tin trên được nêu ra trong "Diễn đàn Phòng, chống hàng giả, hàng nhái: Thách thức và giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp", diễn ra sáng nay (27/11) tại Hà Nội.

Bóc mẽ 3 thủ đoạn tinh vi

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công An - cho biết: Tội phạm hiện nay ngày càng tinh vi. Trước đây, những người vi phạm chỉ có trình độ văn hóa thấp, thì nay chuyển sang trình độ nhận thức, học vấn, chuyên môn cao, có hiểu biết chính sách pháp luật, am hiểu thị trường và thường xuyên thay đổi phương thức với những thủ đoạn mới.

Đáng chú ý, theo đại diện C03, có một số thủ đoạn mới đã được ghi nhận tại Việt Nam như việc xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch nhà máy sang để sản xuất hàng hóa.

"Nhưng thực chất là đưa hàng hóa, chi tiết, linh kiện sang Việt Nam rồi gia công, lắp ráp đơn giản để gắn nhãn Made in Vietnam. Hàng hóa nhập khẩu không thể hiện xuất xứ sản phẩm, nhưng khi làm thủ tục hải quan hay lưu thông ra thị trường lại gắn nhãn Made in Vietnam" - đại diện C03 nói.

Phát lộ thủ đoạn đại bàng Trung Quốc gắn mác hàng hóa Việt Nam - 1

Hàng hóa Trung Quốc bị tuồn vào Việt Nam để lấy mác Made in Vietnam 

Thủ đoạn thứ hai được C03 ghi nhận là việc, sản xuất kinh doanh hàng hóa có thành phần, tiêu chuẩn định lượng không đúng hồ sơ công bố, hoặc giấy đăng ký xin cấp phép để bán cho người tiêu dùng.

"Khi lực lượng chức năng kiểm tra thì các đối tượng đối phó bằng hình thức, đổ cho điều kiện bảo quản không đảm bảo, nên chất lượng bị ảnh hưởng là yếu tố khách quan, nằm sự kiểm soát chủ quan của doanh nghiệp" - đại diện C03 nói và cho biết hình thức gian lận này đa phần tập trung vào nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Tinh vi hơn, theo đại diện C03, lợi dụng là đơn vị phân phối sản phẩm độc quyền tại Việt Nam, nhiều tổ chức đã gia công sản phẩm giống với hàng chính hãng để bán ra thị trường tiêu thụ.

Vị này cho biết, trước đây với hàng giả và hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, phương thức truyền thống thường là giả của thương hiệu, nhãn hiệu khác. Nhưng hiện nay lợi dụng cơ chế chính sách, sự am hiểu hàng hóa, chính đối tượng đánh cắp được công nghệ để sản xuất hàng hóa có chất lượng và hàm lượng không như công bố.

Song, khó khăn khi xử lý hình sự những đối tượng này là việc, phải chứng minh được hành vi làm giả là ý thức chủ quan của doanh nghiệp.

Thủ đoạn thứ ba mà đại diện C03 nhắc tới là hành vi làm giả hồ sơ tài liệu như: Chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Chứng nhận kiểm định chuyên ngành; Giấy ủy quyền thương mại.

Theo ghi nhận của Cục, loại hình này thời gian qua ở Việt Nam đang xuất hiện nhiều ở nhóm các doanh nghiệp kinh doanh lương thực, thực phẩm, hoặc có hoạt động nhập khẩu hàng hóa là dược phẩm, bánh kẹo, trái cây, bột gia vị, hương liệu dùng để chế biến thực phẩm từ Trung Quốc về Việt Nam.

Là hàng Trung Quốc, nhưng trên bao bì lại thể hiện nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Khi làm thủ tục hải quan sẽ được phân luồng xanh nên cơ quan không kiểm soát được.

Độ nguy hiểm của giấy tờ giả còn thể hiện ở chỗ, tại thị trường nội địa, khi cơ quan chức năng kiểm tra, các đối tượng xuất trình giấy tờ có dấu hiệu bị giả mạo hoặc dùng bản dịch không được cơ quan chức năng chứng thực, với nội dung cho phép doanh nghiệp sử dụng tên, nhãn hiệu và thiết kế bao bì sản phẩm được nhập khẩu từ đơn vị được chỉ định.

Với thủ đoạn như vậy, các đối tượng đã lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đối với các thương hiệu nước ngoài để lừa dối người tiêu dùng, thu lời bất chính. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài.

Dù vậy, do các doanh nghiệp nước ngoài vi phạm không có đại diện tại Việt Nam, nên việc xác minh khó khăn và kéo dài. Thậm chí, nếu hết thời hạn làm việc với hàng hóa có nghi vấn thì buộc phải trả lại hàng hóa.

Trốn thuế, phá giá

Công bố của Ban Chỉ đạo 389 cho thấy, trong quý III/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 63.110 vụ việc vi phạm; khởi tố 369 vụ với 454 đối tượng (tăng 25% so với cùng kỳ). 

Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã nhận được 176 khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ.

Các nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến hàng hóa không có nhãn phụ, không có thông tin về nhà sản xuất; hàng hóa kém chất lượng, khác so với quảng cáo; hàng hóa giả mạo thương hiệu, nguồn gốc và hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trong giao dịch thương mại điện tử…

Phát lộ thủ đoạn đại bàng Trung Quốc gắn mác hàng hóa Việt Nam - 2

Diễn đàn Phòng, chống hàng giả, hàng nhái: Thách thức và giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp

Theo Ông Nguyễn Xuân Khương - Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan: Khi Việt Nam đã cam kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo, hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu… để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng.

"Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam.

Sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ mất uy tín trên thị trường quốc tế, hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường, nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại" - ông Khương cho biết.

Thế Hưng