Hành trình trở thành người giàu nhất Việt Nam
Năm 1987, ông Phạm Nhật Vượng thuộc lớp thanh niên ưu tú dành được học bổng tại Học viện địa chất Moscow, chuyên ngành kinh tế và địa chất, nhờ thành tích xuất sắc về toán học.
Lúc còn sinh viên, ông Vượng cũng tập đi buôn, nhưng buôn bán kém, cứ càng buôn càng lỗ. Một thời gian sau, ông nhập hàng từ Việt Nam sang.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng phá sản.
"Hồi ấy buôn áo gió là đỉnh điểm, ban đầu kiếm được nhiều tiền lắm. Nhưng cuối cùng cũng lại mất sạch. Phá sản luôn, vì khi thị trường đi xuống mình phản ứng không đúng và không kịp. Sinh viên đã có kinh nghiệm gì đâu nên mới bị phá sản. Khi rời Moscow đi xuống Kharkov vẫn còn nợ 40.000 USD", tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết.
Từ đó, ông Vượng thừa nhận, ông nhạy hơn với thị trường, "ăn đòn" nhiều nên khôn hơn.
Những năm sau đó, ông Vượng đã trải qua rất nhiều thử thách mới thành lập được hãng mỳ Miniva. Tuy nhiên, cũng chỉ mất 1 năm để tỷ phú giàu nhất Việt nam cán mốc doanh số 1 triệu gói mỳ.
Đến năm 2004, mức tiêu thụ mỳ Mivina ở Ukraine đạt mức cao kỷ lục, 97% người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này. Từ thành công tại Ukraine, ông Vượng mở rộng nhà máy, tiếp đó đưa thương hiệu Mivina tới hơn 30 quốc gia khác trên toàn thế giới như: Estonia, Litva, Latvia, Moldova, Ba Lan, Đức, Israel... Ngoài sản phẩm đầu tiên là mỳ ăn liền, ông còn sản xuất khoai tây nghiền, thành lập nhà máy chuyên sản xuất gia vị, nhà máy chuyên đóng gói, là các công ty con của Tập đoàn Technocom, tiền thân của Vingroup hiện nay.
Bà Thanh Phượng không nhận thù lao
Mới đây, công ty chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng vừa công bố tài liệu họp thường niên Đại hội cổ đông dự kiến diễn ra vào 9/4. Trong tờ trình, do bà Phượng trực tiếp ký có nêu rõ, hội đồng quản trị (HĐQT) không nhận thù lao trong năm 2021. Đây là được coi là một "truyền thống" tại VCSC nhiều năm qua.
Về mức thưởng cho Ban Tổng giám đốc năm 2020, bà Nguyễn Thanh Phượng cho biết, do lợi nhuận trước thuế thực hiện năm 2020 vượt xa lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 thông qua, nên HĐQT trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua khoản thưởng là 7,7 tỷ đồng (tương đương 8% phần vượt lợi nhuận trước thuế của năm 2019 là 96 tỷ đồng) cho Ban Giám đốc.
Tuy nhiên, Ban Giám đốc chỉ nhận khoản tiền thưởng là 3,85 tỷ đồng do Tổng Giám đốc Tô Hải không nhận thưởng. Lý do của sự từ chối này nhằm "giảm chi phí cho công ty". Mức thưởng mà ông Tô Hải không nhận có giá trị 3,85 tỷ đồng.
"Nữ tướng" của bầu Đức rời HAGL Agrico
Thông tin mới nhất tuần qua liên quan đến bầu Đức là việc Hội đồng quản trị HAGL Agrico đã công bố thay đổi Tổng giám đốc kiêm người đại diện công ty.
Theo đó, HAGL Agrico đã chính thức miễn nhiệm bà Võ Thị Mỹ Hạnh khỏi chức vụ Tổng giám đốc công ty này kể từ ngày 18/3, thay thế là ông Trần Bảo Sơn - một "lão tướng" của Thaco với hơn 2 thập kỷ cống hiến. Ông Sơn hiện là Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách cơ giới hóa của Thaco; Tổng giám đốc Thagrico.
"Nữ tướng" của bầu Đức rời HAGL Agrico (ảnh minh họa).
Đây cũng là bước chuyển giao quyền điều hành cao nhất ở HALG Agrico từ đội ngũ của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) sang đội ngũ của tỷ phú Trần Bá Dương sau khi đích thân ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco đã giữ ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL Agrico hồi đầu năm nay.
Cổ phiếu FLC lại gây "choáng"
Tuần qua, gây bất ngờ nhất là nhóm cổ phiếu "họ" FLC của ông Trịnh Văn Quyết. Tuy là "vua" penny, nhưng cổ phiếu tập đoàn này trong phiên giao dịch ngày 20/3 lại đóng vai trò là một trong 10 mã có ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index.
Không những hồi phục được sau pha suýt giảm kịch sàn ở phiên 17/3 mà trong phiên 19/3 FLC còn tăng kịch biên độ trên HSX lên 8.020 đồng, khớp lệnh trên 26 triệu cổ phiếu và vẫn còn dư mua trần 10,6 triệu cổ phiếu.
Diễn biến "đồng khởi" của nhóm cổ phiếu này diễn ra sau khi ông Trịnh Văn Quyết thông tin trên Bloomberg, khẳng định sẽ đưa cổ phiếu BAV của Bamboo Airways lên sàn HSX hoặc HNX với mức giá khởi điểm khoảng 60.000 đồng/cổ phiếu vào quý 3 tới.
Thế Hưng