Fica
  1. Doanh nghiệp

  2. Chuyển động doanh nghiệp

"Ông lớn" Vicem "ôm" khoản đầu tư thua lỗ tại hàng loạt công ty con

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Bên cạnh một số khoản đầu tư mang lại hiệu quả, Vicem còn nhiều khoản đầu tư khác không mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả không cao như: Vicem Bút Sơn, Hải Vân, Hoàng Mai, Vicem Tam Điệp, Hạ Long…

Vicem còn nhiều khoản đầu tư không mang lại hiệu quả tại các công ty con, công ty liên kết.

Vicem còn nhiều khoản đầu tư không mang lại hiệu quả tại các công ty con, công ty liên kết.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ Xây dựng về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 của Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem).

Báo cáo cho biết, năm 2017, tổng doanh thu của Vicem đạt 2.714 tỷ đồng, tăng 205% so với năm 2016, chủ yếu nhờ khoản doanh thu tài chính 2.002 tỷ đồng.

Lợi nhuận trong năm 2017 của Tổng công ty đạt 1.403 tỷ đồng, tăng đột biến 529% so với năm 2016 chủ yếu từ cổ tức, lợi nhuận được chia của 2 công ty con là Vicem Hoàng Thạch và Hà Tiên 1 và một số công ty liên kết khác.

Về hiệu quả đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, tại thời điểm ngày 31/12/2017, tổng giá trị đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là 13.163 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính (xi măng, clinker).

Trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này vào khoảng 2.822 tỷ đồng, trong đó chủ yếu trích lập dự phòng cho các khoản lỗ phát sinh của các công ty con: Vicem Hải Phòng 238 tỷ đồng, Tam Điệp 1.060 tỷ đồng, Hạ Long 1.126 tỷ đồng, Sông Thao 347 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, theo Bộ Tài chính, bên cạnh một số khoản đầu tư mang lại hiệu quả thì còn nhiều khoản đầu tư khác không mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả không cao như: Vicem Bút Sơn, Hải Vân, Hoàng Mai…

Thậm chí, một số công ty lỗ hoặc có số lỗ luỹ kế lớn như Vicem Tam Điệp, Xi măng Hạ Long và Sông Thao, Sông Đà 12, Tấm lợp Vật liệu xây dựng Đồng Nai.

Ngoài ra, Vicem còn “mắc kẹt” với khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú - Kratie và Đồng Nai - Kratie. Năm 2015, Vicem đã triển khai thoái toàn bộ vốn tại 2 công ty này nhưng không thành công do không có nhà đầu tư tham gia.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển giao phần vốn của Vicem tại 2 công ty về Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam theo hình thức ghi tăng giảm vốn.

Tuy nhiên, sau đó, Thủ tướng có công văn giao Bộ Xây dựng chỉ đạo Vicem phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nghiên cứu, xây dựng phương án chuyển giao phần vốn do Vicem đầu tư tại Đồng Phú - Kratie và Đồng Nai - Kratie về SCIC theo đúng quy định. Đến nay, việc chuyển giao chưa hoàn thành.

Tại công văn lần này, Bộ Tài chính đề nghị Vicem chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các bộ phận liên quan thực hiện rà soát, đánh giá lại các khoản đầu tư để đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư, có phương án xử lý đối với các khoản đầu tư tài chính không có hiệu quả (Sông Đà 12, Tấm lợp vật liệu Đồng Nai).

Đồng thời, rà soát việc chuyển giao phần vốn đầu tư của Vicem tại 2 công ty cổ phần Đồng Phú - Kratie và Đồng Nai - Kratie theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để xử lý dứt điểm, trường hợp có vướng mắc báo cáo Bộ Xây dựng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phương Dung

Tin liên quan