Ái nữ bà Như Loan kiếm bộn tiền chỉ trong 2 ngày
Diễn biến đáng chú ý về gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan trong tuần qua là việc, giá trị tài sản của gia đình nữ đại gia phố núi tăng mạnh. Theo đó, mã cổ phiếu QCG của gia đình bà Loan đã đạt mức tăng gần 12% chỉ trong 1 tuần và tăng gần 32% trong vòng 1 tháng.
Với 37,05% vốn điều lệ bà Loan đang nắm giữ và 14,32% do con gái Nguyễn Ngọc Huyền My nắm giữ thì tài sản của gia đình bà Loan đã tăng đáng kể.
Kiếm được khoản tiền không nhỏ chỉ trong 2 ngày, nhưng con gái bà Loan lại khá kín tiếng với truyền thông, trái ngược với người anh doanh nhân Nguyễn Quốc Cường.
Không xuất hiện ở những vị trí nổi bật ở Quốc Cường Gia Lai nhưng bà Huyền My lại có vai trò quan trọng với những giao dịch tài chính ở tư cách "bên liên quan" với công ty này.
Thời điểm 30/9, trong khi Quốc Cường Gia Lai còn phải trả hơn 130 tỷ đồng với bà Nguyễn Thị Như Loan thì tập đoàn này cũng đang mượn tiền của Huyền My tới gần 32 tỷ đồng.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng khiến dân Việt "nức lòng"
Gần đây trên thị trường chứng khoán, mã cổ phiếu của VIC đã mất "ngôi vương" theo quy mô vốn hóa về tay VCB. Song, mã cổ phiếu này lại có diễn biến tích cực trong tuần qua khi có thông tin, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố ra mắt Quỹ VinFuture.
Quỹ này được xây dựng với mục đích tổ chức giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế đầu tiên do người Việt Nam khởi xướng và là một trong những giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất thế giới.
Người sáng lập Giải thưởng VinFuture là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân là bà Phạm Thu Hương.
Đáng chú ý, trong cơ cấu, hàng năm giải thưởng VinFuture có 1 giải thưởng chính và 3 giải Đặc biệt, với tổng trị giá 104,5 tỷ đồng (tương đương 4,5 triệu USD).
Cuộc chiến 10 năm của đại gia Hàn - Việt
Tuần qua, cuộc chiến kéo dài 10 năm giữa ông trùm chứng khoán Nguyễn Duy Hưng và ông lớn Hàn Quốc đã đi đến hồi kết.
Theo đó, trong một thông báo phát đi từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Lotte Corporation đã quyết định thoái toàn bộ 6,8 triệu cổ phiếu tại CTCP Bibica (BBC), tương đương 44,03%.
Cuộc chiến giữa các cổ đông nội ngoại kéo dài nhiều năm
Mục đích duy nhất của phía Lotte Corporation là thoái vốn, sau khi đại gia Nguyễn Duy Hưng đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Bibica lên trên 50% và trở thành cổ đông lớn nhất.
Lý do đằng sau việc thoái vốn không được công bố. Tuy nhiên, nó diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu và hầu hết các doanh nghiệp lớn nhỏ trên phạm vi toàn thế giới bị ảnh hưởng.
Không chỉ muốn sở hữu trên 50% cổ phần, Tập đoàn PAN của Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng còn đặt ra mục tiêu nâng sở hữu tại Bibica lên 100%.
Doanh nhân quyền lực đất Sài Thành bị "xộ khám"
Thông tin đáng chú ý nhất về đời sống doanh nhân tuần qua là việc, ông Diệp Dũng , nguyên Chủ tịch Saigon Co.op bị "xộ khám". Trước khi dính líu đến pháp luật tại Saigon Co.op, ông Diệp Dũng là thành ủy viên, Phó Bí thư đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC).
Với khối tài sản cả chục nghìn tỷ đồng cùng hàng chục khoản đầu tư vào các doanh nghiệp khác của HFIC, ông Diệp Dũng là doanh nhân đầy quyền lực ở Sài Gòn. Ông Dũng cũng từng có thời gian làm Phó Chủ tịch HĐQT, người đại diện phần vốn của HFIC tại HDBank.
Tuy nhiên, ngày 16/12 vừa qua, ông Diệp Dũng (sinh năm 1968), bị khởi tố vì liên quan đến việc lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Cụ thể, theo kết luận của thanh tra, quá trình tăng vốn của Saigon Co.op có sai phạm và sai phạm này thuộc trách nhiệm của HĐQT Liên hiệp, Thành viên Liên hiệp, Ban Tổng giám đốc, các phòng ban chức năng và cá nhân.
Trước khi bị bắt, ông Diệp Dũng đã nộp đơn từ nhiệm Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op và được điều về HFIC - nơi ông từng công tác. Sau đó, ông lại được chuyển sang Công ty Xổ số Kiến thiết TPHCM. Mới được hơn 1 tháng thì ông bị bắt.
Thế Hưng
Tổng hợp