Fica
  1. Doanh nghiệp

Nữ CEO 9X bỏ 900 tỷ đồng mua lại công ty nội thất của tỷ phú Trần Đình Long

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Hòa Phát bán lại mảng nội thất với giá chuyển nhượng 896 tỷ đồng cho một công ty của nữ giám đốc 29 tuổi, đặt trụ sở tại một huyện tại tỉnh Hưng Yên.

Bán mảng nội thất với giá 900 tỷ đồng

Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm nay. Báo cáo hé lộ thông tin Hòa Phát đã chuyển nhượng 99,6% vốn tại Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát với giá trị chuyển nhượng 896 tỷ đồng, gấp đôi giá trị sổ sách. 

Đặc biệt, bên nhận chuyển nhượng là Công ty Cổ phần Nội thất Eden Việt Nam, một doanh nghiệp có trụ sở tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Công ty trên thành lập năm 2015. 

Giám đốc công ty này là bà Lại Như Loan, sinh năm 1992. Điểm trùng hợp là nữ giám đốc 9X hiện đang sinh sống tại Chung cư Hòa Phát, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Công ty mua lại mảng kinh doanh nội thất của tỷ phú Trần Đình Long vừa tăng vốn điều lệ từ 8 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng vào đầu năm nay. Các thông tin khác về hoạt động doanh nghiệp này cũng như nữ giám đốc 9X trên các công cụ tìm kiếm rất ít ỏi.

Giao dịch chuyển nhượng công ty nội thất cho Eden giúp Hòa Phát ghi nhận khoản lãi gần 500 tỷ đồng trong kỳ kế toán vừa qua. 

Nữ CEO 9X bỏ 900 tỷ đồng mua lại công ty nội thất của tỷ phú Trần Đình Long - 1

Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long rút khỏi mảng nội thất sau hơn 25 năm (Ảnh: Bloomberg).

Cuối năm 2020, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đã công bố kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp. Hòa Phát thành lập 4 tổng công ty phụ trách các mảng kinh doanh gang thép, ống thép và tôn mạ màu, nông nghiệp, bất động sản đồng thời rút khỏi lĩnh vực nội thất.

Hòa Phát bắt đầu kinh doanh nội thất từ năm 1995. Sau 25 năm tham gia lĩnh vực này, ban lãnh đạo tập đoàn đánh giá nội thất là ngành mang tính thủ công, sử dụng nhiều lao động phổ thông, không còn phù hợp với định hướng sản xuất quy mô lớn, sử dụng dây chuyền máy móc hiện đại.

Lãnh đạo nhận thù lao hơn 420 triệu đồng/tháng

Cũng trong báo cáo tài chính kiểm toán, thông tin về thu nhập của ban lãnh đạo tập đoàn này được công bố chi tiết. 

Cụ thể, tổng thù lao của HĐQT Hòa Phát trong 6 tháng đầu năm là 17,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số hơn 25 tỷ đồng cùng kỳ 2020. Như vậy, Chủ tịch Trần Đình Long cùng 6 thành viên trong HĐQT Hòa Phát bình quân nhận hơn 420 triệu đồng/tháng. 

Trong khi đó, ban tổng giám đốc với 2 thành viên nhận tổng thu nhập gồm lương và thưởng 2 tỷ đồng trong 6 tháng. Như vậy, bình quân CEO và phó tổng giám đốc Hòa Phát bình quân nhận gần 170 triệu đồng/tháng.

Các chỉ số trong báo cáo tài chính kiểm toán của Hòa Phát không biến động đáng kể so với báo cáo tự lập công bố trước đó. 

Sau 6 tháng, doanh thu thuần của Hòa Phát đạt hơn 66.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 16.751 tỷ đồng. "Vua thép" soán ngôi của Vinhomes, trở thành doanh nghiệp báo lãi ròng lớn nhất trên sàn chứng khoán sau hai quý đầu tiên.

Nữ CEO 9X bỏ 900 tỷ đồng mua lại công ty nội thất của tỷ phú Trần Đình Long - 2

Biên lợi nhuận của Hòa Phát vượt xa các doanh nghiệp cùng ngành (Biểu đồ: Việt Đức).

Đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Hòa Phát lên tới gần 160.000 tỷ đồng, tăng gần 30.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm nay. 

Ngoài vị trí quán quân lợi nhuận, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long còn nằm trong nhóm dẫn đầu về lượng tiền mặt đang nắm giữ. Hòa Phát đang có gần 32.000 tỷ đồng tiền mặt, tăng gần 10.000 tỷ đồng sau 6 tháng. Lượng tiền mặt của Hòa Phát đang nắm giữ thậm chí còn lớn hơn tổng tài sản của một số doanh nghiệp cùng ngành như Hoa Sen, Nam Kim.

Thị giá cổ phiếu HPG hiện giao dịch ở mức 47.600 đồng, tương ứng vốn hóa doanh nghiệp khoảng 213.000 tỷ đồng (9,4 tỷ USD). Theo thống kê của Forbes, tài sản của ông Trần Đình Long hiện lên tới 3,2 tỷ USD. Ông Long là người giàu thứ hai của Việt Nam, sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng (7,4 tỷ USD) và đứng thứ 1.035 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh.

Việt Đức

Tin liên quan