Fica
  1. Doanh nghiệp

Nóng: “Ông lớn” Vinachem bị toà áp dụng biện pháp khẩn cấp, phong toả hàng loạt tài sản

Thông tin “lộ” ra từ báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét của Vinachem cho thấy, tập đoàn này có một loạt khoản nợ tiềm tàng do tranh chấp với các đối tác và bị TAND Hà Nội và TAND TP HCM phong tỏa nhiều tài sản.

Nóng: “Ông lớn” Vinachem bị toà áp dụng biện pháp khẩn cấp, phong toả hàng loạt tài sản - 1

Một dự án của Vinachem

Hàng loạt tài khoản, tài sản bị phong toả

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2019 đã được soát xét bởi đơn vị kiểm toán AASC.

Thông tin “lộ” ra từ báo cáo cho thấy, tập đoàn này có một loạt khoản nợ tiềm tàng do tranh chấp với các đối tác và bị TAND Hà Nội và TAND TP HCM phong tỏa nhiều tài sản.

Cụ thể, theo đơn khởi kiện bổ sung của Công ty cổ phần thiết kế công nghiệp hóa chất tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), tổng giá trị nhà thầu đã thực hiện tương ứng hơn 22 triệu USD và được chủ đầu tư thành toán gần 10,1 triệu USD. Do đó, công ty này kiện đòi Vinachem thanh toán nốt số tiền 12,48 triệu USD.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thanh toán bảo lãnh tạm ứng số tiền hơn 8,4 triệu USD của BIDV cho Vinachem chờ phán quyết của VIAC. Ngày 11/1, Vinachem đã gửi đơn khiếu nại nhưng không được toà án chấp nhận.

Ngày 20/2/2019, TAND TPHCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa tài khoản và tài sản của Vinachem gồm trên 12,17 triệu cổ phần Công ty phân bón Bình Điền (mã BFC) thuộc sở hữu Vinachem và tài khoản USD của Vinachem tại BIDV với số dư trên 13 triệu USD.

Bê cạnh đó, VIAC cũng nhận được đơn tranh chấp của Công ty Đại chúng TTCL và Công ty TTCL Việt Nam yêu cầu Vinachem thực hiện giá trị tranh chấp lần lượt là 110,47 triệu USD (tương đương 2.557,4 tỷ đồng) và 18,32 triệu USD (tương đương 424,1 tỷ đồng) cùng các yêu cầu khác không nêu trị giá.

Ngày 4/4, TAND TP HCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thực hiện phong tỏa tài khoản và tài sản Vinachem gồm 24 triệu cổ phiếu phân bón Bình Điền (BFC), 10 triệu cổ phiếu Bột giặt Lix (mã chứng khoán LIX) và 7,5 triệu cổ phiếu Hóa chất Việt Trì (mã HVT) thuộc quyền sở hữu của Vinachem.

Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu BFC tại thời điểm chốt phiên 10/10 là 15.000 đồng/cổ phiếu; thị giá LIX là 41.500 đồng/cổ phiếu và thị giá HVT là 39.000 đồng/cổ phiếu.

Lãi suy giảm, nợ ngắn hạn vượt quá giá trị tài sản ngắn hạn

Cũng tại báo cáo bán niên này, kiểm toán viên AASC đã đưa ra kết luận ngoại trừ. Đơn vị kiểm toán cho biết, “một cuộc soát xét về cơ bản có phạm vi hẹp hơn một cuộc kiểm toán được thực hiện theo các chuẩn mức kiểm toán Việt Nam và do vậy không cho phép chúng tôi đạt được một sự đảm bảo rằng chúng tôi sẽ nhận biết được tất cả các vấn đề trọng yếu có thể được phát hiện trong một cuộc kiểm toán”. Theo đó, AASC đã không đưa ra ý kiến kiểm toán.

Cơ sở đưa ra kết luận ngoại trừ của AASC đối với báo cáo tài chính của Vinachem là với các tài liệu được cung cấp, AASC không đánh giá được ảnh hưởng của một số vấn đề tới báo cáo tài chính bán niên của tập đoàn này.

Đơn vị kiểm toán lưu ý rằng, tại thời điểm 30/6/2019, một số dự án của Vinachem như dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan (Lào) đã dừng triển khai và đang thực hiện các thủ tục thanh lý hợp đồng với các bên liên quan.

Bên cạnh đó, dự án đầu tư Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay chưa được quyết toán công trình hoàn thành và không có khả năng thanh toán các khoản nợ vay và lãi vay.

AASC còn nhấn mạnh, một số khoản vay ngân hàng thương mại cổ phần của Vinachem đã quá hạn thanh toán. Trong đó, số dư nợ gốc quán hạn là 668,9 tỷ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng là 336 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay nói trên là “nhà máy sản xuất phân đạm từ tham cám công suất 1.760 tấn ure/ngày (560.000 tấn ure/năm)” đã tạm bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình quản lý, vận hành từ năm 2012 nhưng chưa được phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành.

Kết quả kinh doanh nêu tại báo cáo bán niên soát xét cho thấy, nửa đầu năm nay Vinachem có lãi trước thuế 363,45 tỷ đồng, giảm gần 37% so với cùng kỳ và lãi sau thuế là 218,78 tỷ đồng, giảm hơn 40% so cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chỉ là 28,5 tỷ đồng, giảm so với kết quả 30,93 tỷ đồng của nửa đầu năm 2018.

Tuy lãi sụt giảm song cũng phần nào giúp giảm lỗ luỹ kế cho Vinachem. Con số lỗ luỹ kế của tập đoàn này tại ngày 30/6/2019 là 2.720,91 tỷ đồng.

Nợ phải trả vào cuối quý II ở mức 37.360,58 tỷ đồng trong đó nợ ngắn hạn là 24.204,15 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của Vinachem đã vượt quá giá trị tài sản ngắn hạn của tập đoàn này là 21.507,08 tỷ đồng.

Mai Chi

Nóng: “Ông lớn” Vinachem bị toà áp dụng biện pháp khẩn cấp, phong toả hàng loạt tài sản - 2