Fica
  1. Doanh nghiệp

Những pha "bẻ lái" không thể hiểu nổi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trên hành trình đi đến thành công, người giàu nhất Việt Nam cũng đã có không ít thương vụ đóng cửa kinh doanh gây bất ngờ là thông tin đáng chú ý về đời sống doanh nhân tuần qua.

Những lần "chịu đau" của ông Phạm Nhật Vượng

"Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp" là khẩu hiệu (Slogan) của Vingroup, do đó tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã không ít lần thay đổi, thậm chí khiến công chúng ngỡ ngàng với các dự án lớn.

Tuy nhiên, cũng không ít lần, vị tỷ phú này phải "chịu đau" để khép lại các mảng miếng đã từng phát triển. Đáng chú ý trong đó phải kể đến thương vụ bán Technocom cho Nestle, lý do là để ông Vượng tập trung toàn lực về trong nước.

Giai đoạn 2008, ông Phạm Nhật Vượng từng có tham vọng lấn sân thị trường tài chính với cái tên Tập đoàn Tài chính Vincom (VFG). Tuy nhiên sau đó ông Phạm Nhật Vượng quyết định dừng chân, chấp nhận đền bù 6 tháng đến 1 năm lương cho các nhân sự dù chưa thực sự làm việc ngày nào.

Những pha bẻ lái không thể hiểu nổi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng  - 1

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và nhiều lần đóng cửa kinh doanh đầy bất ngờ.

Vincom Center Hà Nội/Vincom City Towers là một trong những trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê cao cấp đầu tiên tại Hà Nội và từng là biểu tượng cho sự sầm uất ở Hà Nội những năm 2000. Vincom Center Hà Nội gồm 3 tháp được đưa vào hoạt động năm 2009. 

Trước đó, năm 2006, ông Phạm Nhật vượng đã bán tháp A Vincom tại 191 Bà Triệu cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Đến cuối năm 2011, ông lại bán tháp B Vincom cho Ngân hàng cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và chuyển toàn bộ trụ sở văn phòng tập đoàn và các đơn vị thành viên tại Hà Nội về khu đô thị sinh thái Vincom Village tại Sài Đồng - quận Long Biên vào đầu tháng 1/2012.

Sau nhiều năm thăng hoa với nhiều mảng miếng kinh doanh, đến cuối tháng 12/2019, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng bất ngờ rút khỏi mảng bán lẻ trực tiếp.

Trong đó, trang thương mại điện tử Adayroi sáp nhập vào VinID. Toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro bị giải thể. Công ty VinEco và Công ty VinCommerce (VCM) sở hữu chuỗi Vinmart và Vinmart+ cũng đã hoán đổi cổ phần cho đối tác.

Cũng trong năm 2019, sau khi làm báo chí tốn không ít giấy mực với dự án vận tải hàng không Vinpearl Air, thì ngay đầu năm 2020, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại bất ngờ rút khỏi lĩnh vực này. Nguyên do vì muốn tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của Vingroup.

Ngày 9/5 vừa qua, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ công bố thông tin gây xôn xao: VinSmart sẽ dừng việc nghiên cứu, sản xuất ti vi và điện thoại di động.

Giải thích cho động thái đầy bất ngờ nói trên, Vingroup cho biết đang tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về "Infotainment" cho ô tô VinFast.

Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup - thông tin: "Việc sản xuất điện thoại hoặc ti vi thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng. Trong khi đó, việc phát triển các dòng ô tô đặc biệt thông minh, các ngôi nhà thông minh, thậm chí kiến tạo các thành phố thông minh... sẽ mang đến rất nhiều lợi ích và những trải nghiệm vượt trội cho nhân loại. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm dồn mọi nguồn lực cho mũi nhọn này".

Tỷ phú Đăng Quang sẽ bán cổ phần hay IPO Masan Meatlife?

Mới đây, Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã làm việc với các cố vấn để cân nhắc phương án kêu gọi nguồn vốn đầu tư mới cho công ty con Masan MeatLife Corp.

Theo đó, doanh nghiệp này đang tìm cách huy động tới 1 tỷ USD thông qua việc bán cổ phần cho một đối tác chiến lược.

Ngoài ra, tập đoàn cũng xem xét đến khả năng phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu đối với công ty thức ăn chăn nuôi này. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị của tập đoàn tin rằng Masan MeatLife đang bị thị trường định giá quá thấp.

Theo các nguồn tin, Masan mới đang ở giai đoạn thảo luận ban đầu nên có thể sẽ không thực hiện bất kỳ phương án nào trên đây.

Sếp Hòa Phát chuyển 756 tỷ đồng cổ phiếu cho con

Một lão tướng Hòa Phát đã có động thái đáng chú ý trong bối cảnh giá cổ phiếu tập đoàn này đang trong cơn "bão giá". Theo đó, ông Trần Tuấn Dương - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát - đăng ký bán 12 triệu cổ phiếu HPG, giao dịch bắt đầu thực hiện từ 13/5.

Nếu giao dịch thành công, ông Dương sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Hòa Phát từ trên 88,6 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 2,68% vốn điều lệ) xuống còn hơn 76,6 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 2,31%).

Những pha bẻ lái không thể hiểu nổi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng  - 2

Ông Trần Tuấn Dương tại phiên họp ĐHĐCĐ Hòa Phát diễn ra mới đây (ảnh: Tiến Tuấn).

Trong khi đó, chiều ngược lại, 3 người con của ông Trần Tuấn Dương là Trần Gia Bảo, Trần Bảo Ngọc và Trần Ngọc Diệp lại đồng thời đăng ký mua vào mỗi người 4 triệu cổ phiếu HPG, đúng bằng số lượng cổ phiếu ông Dương dự định bán ra.

Đây có thể là một giao dịch chuyển nhượng cổ phần từ ông Trần Tuấn Dương cho các con của mình, hay nói cách khác là chuyển giao cổ phần sang thế hệ F2. Theo giá thị trường của HPG hiện nay thì số cổ phần mà ông Dương dự kiến giao dịch nói trên vào khoảng 756 tỷ đồng.

Trước giao dịch, cả 3 người con của Phó Chủ tịch HĐQT Hòa Phát hầu hết không có cổ phần tại tập đoàn (ngoại trừ Trần Bảo Ngọc có 10 cổ phiếu). Khi giao dịch được tiến hành và thành công thì mỗi người sẽ có 4 triệu cổ phiếu HPG, chiếm tỷ lệ 0,12% vốn điều lệ tập đoàn này.

 Thế Hưng

Tổng hợp