Lùm xùm giữa ông bà chủ Trung Nguyên tiếp tục lên đến cao trào khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo chỉ ra việc Trung Nguyên đã mạnh tay chi tiền mua siêu xe lẫn những khoản chi ngoài luồng. Và rồi chỉ vài ngày sau đó, ông chủ Trung Nguyên tái xuất bất ngờ, hé lộ thêm những thông tin bên lề về bản thân và cả Tập đoàn Trung Nguyên - điểm mấu chốt tranh chấp của cả hai bên trong nhiều năm qua.
Tiếp diễn những lùm xùm kiện cáo chưa có hồi kết liên quan đến tập đoàn cà phê Trung Nguyên, mới đây bà Lê Hoàng Diệp Thảo lại cung cấp những thông tin tình hình tài chính của tập đoàn trên trang cá nhân của mình trên mạng xã hội.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ lại bất ngờ xuất hiện, vài ngày sau khi bà Thảo “đăng đàn” kể sâu hơn về tình hình tài chính của Trung Nguyên |
Những hình ảnh sao kê này chưa được kiểm chứng, nhưng thống kê đâu đó có hàng trăm tỷ đồng mua siêu xe trong vòng 3 năm qua, thêm nhiều khoản chi vào tài khoản cá nhân của ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ.
Bà Thảo còn nhấn mạnh thêm ý định chi 5 tỷ đô la tiền tặng sách dạy làm giàu cho giới trẻ là bất khả thi, và tình hình tài chính của Trung Nguyên khó mà cán đáng nổi. Như nhiều lần phát ngôn trước, bà Thảo cho rằng Trung Nguyên đang bị “rút ruột”.
Vài ngày sau khi thông tin trên được bà Thảo đưa ra, ông Vũ lại bất ngờ xuất hiện trước báo chí (số lượng hữu hạn mà ông cho là thân hữu). Lần gần đây nhất là vào giữa tháng 6 trong buổi lễ kỉ niệm 22 năm hoạt động của Trung Nguyên và lần ra phiên tòa hòa giải vào đầu tháng 8.
Trong đó, câu chuyện siêu xe tặng sách tỷ USD cũng được đề cập đến. Theo ông chủ Trung Nguyên, việc chi hàng trăm tỷ đồng sắm siêu xe là câu chuyện của hoạt động marketing. Ước chừng chi phí marketing cho doanh nghiệp khoảng 10%, tương ứng với doanh thu của Trung Nguyên khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng thì việc chi khoảng 500-600 tỷ đồng làm truyền thông, thương hiệu là hợp lý. Siêu xe thì lại là tài sản cố định, thu hút truyền thông và công chúng đến với hành trình tặng sách.
Tất nhiên, đây là cách truyền thông riêng của ông Vũ, nhưng rõ ràng một điều rằng: Trung Nguyên vẫn có lợi nhuận để ông chủ lấy ra tiêu xài.
Ông Vũ chia sẻ thông tin tại buổi gặp với 5 nhà báo, cùng sự tham gia của 3 luật sư (ảnh Tô Thanh Tân) |
Đây cũng là lần hiếm hoi mà chủ tịch Vũ nhắc đến con số doanh thu của Trung Nguyên. Số liệu thu thập được từ nhiều nguồn cho thấy, doanh thu ở quanh mức 4.000 tỷ đồng. Trước đó, theo thông tin bà Thảo chia sẻ với báo giới, năm 2016, doanh thu của Trung Nguyên đạt gần 5.500 tỷ đồng.
Số liệu tài chính của Trung Nguyên bất nhất không chỉ vì nội bộ lùm xùm và chia rẽ thành nhiều công ty khác nhau. Bà Thảo được cho là vẫn nắm Trung Nguyên International với một nhà máy cà phê hòa tan. Trong khi đó, báo cáo của VIRAC cho thấy doanh thu năm 2016 của Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên đạt 413 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận trước thuế 59 tỷ đồng. Công ty này đứng tên bởi ông Vũ.
Dù vậy, doanh thu không tăng nổi trong nhiều năm qua cho thấy Trung Nguyên bị ảnh hưởng đáng kể bởi những lùm xùm nội bộ.
Tuy nhiên, so với một đại gia khác trong làng cà phê hòa tan là Vinacafe thì Trung Nguyên vẫn tỏ ra vượt trội. Doanh thu năm 2017 của Vinacafe đạt khoảng gần 3.250 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế đạt 369 tỷ đồng, kém xa so với con số của Trung Nguyên.
Trước đó, báo cáo do công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố đầu năm 2015 Vinacafe dẫn đầu với 41% thị phần lĩnh vực cà phê hòa tan, bằng cả Nescafe và Trung Nguyên cộng lại.Con số này cũng hợp lý, vì Vinacafe có sản phẩm chính là cà phê hòa tan và thị trường nội địa, còn Trung Nguyên xuất khẩu thô, cà phê hòa tan và thị trường nước ngoài là chủ lực.
Ra đời sau Vinacafe và Nescafe, nhưng G7 của Trung Nguyên được đánh giá cao, lấy thị phần tốt, cho dù xét về kênh phân phối, đại gia phố núi vẫn còn thua kém so với tập đoàn đa quốc gia Nestle lẫn ông lớn ngành hàng tiêu dùng Masan. Trung Nguyên cũng đã mua lại nhà máy sản xuất cà phê hòa tan của Vinamilk, khi doanh nghiệp này cố gắng gia nhập ngành nhưng không thành công.
Trung Nguyên hiện tiếp tục lấy các dòng sản phẩm cà phê hòa tan là chủ lực để xuất khẩu. Trong sự kiện hồi giữa tháng 6, ông Vũ trực tiếp xuất hiện sau 5 năm ẩn cư để giới thiệu hình ảnh Trung Nguyên Legend mới cùng các sản phẩm mới.
Bất ngờ xuất hiện trở lại, ông Vũ cũng tự tin rằng Trung Nguyên đã có kế hoạch tăng trưởng mới cho tương lai. Thế nhưng, câu chuyện vẫn chưa có hồi kết.
“Doanh thu liên tục giật lùi, chi phí bán hàng, quản lý, truyền thông lại ngày càng tăng cao, những khoản chi vô lý và thiếu minh bạch ngày càng nhiều”, bà Thảo đặt vấn đề. Tuy nhiên, có một sự thật chắc chắn là “hành trình siêu xe” là nguyên nhân trực tiếp khiến lợi nhuận của Trung Nguyên giảm mạnh trong nhiều năm qua.
Theo Dũng Nguyễn
Vietnamnet