Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và vấn đề tranh chấp quyền lực tại Trung Nguyên trước ly hôn trở thành câu chuyện dài kỳ trong nhiều năm qua
“Chắc chắn tôi sẽ trở về”
“Tôi đã được trở về Trung Nguyên” và “cảm thấy tuyệt vời” là những chia sẻ đầu tiên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo sau khi được xử thắng kiện chồng ngày 20/9.
Theo đó, tòa đã tuyên y án sở thẩm: 1) “Hủy bỏ Quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo”, đồng thời “khôi phục lại chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo” tại Trung Nguyên. 2) Yêu cầu “ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm, cản trở bà Lê Hoàng Diệp Thảo tham gia điều hành và quản lý công ty, với tư cách là 1 thành viên HĐQT và Phó Tổng giám đốc thường trực”. Bản án này sẽ có hiệu lực pháp luật ngay lập tức, sau khi được tòa tuyên.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là giữa những ồn ào tranh chấp, bà Thảo lại nhắc đến món quà sinh nhật mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã tặng vào năm 2013: một bó hồng lớn.
“Biết tôi yêu hoa hồng, anh đã từng trồng cả vườn hồng rực rỡ dành riêng cho tôi. Tôi sẽ mãi trân trọng những kỷ niệm tuyệt vời ấy”, bà Thảo viết trên trang cá nhân.
Nữ doanh nhân này tiếp tục khẳng định: “Tôi tin những quyết định sai trái, những đơn thư tố cáo bôi nhọ tôi suốt mấy năm qua không phải là từ anh mà từ nhóm thao túng sẵn sàng quỳ lạy, tung anh lên để dìm gia đình tôi xuống. Ngay cả những lời nói đau lòng từ anh mới đây cũng là những điều được rỉ tai mớm ý từ họ”.
Với niềm tin đó, bà Thảo cho biết “chắc chắn tôi sẽ trở về” và vực dậy lại Trung Nguyên. “Sự trở về này có thể còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng tôi luôn tâm niệm tình chồng nghĩa vợ sẽ là nền tảng giúp tôi cố gắng trong hành trình tiếp theo”.
Bất ngờ tiết lộ bí quyết kinh doanh
Trong một chia sẻ ngay trước đó, bà Thảo bất ngờ nói về việc “phân vai” rõ ràng ngay từ thời kỳ đầu của Trung Nguyên: “Anh ra ngoài làm hình ảnh, tôi ở trong quản lý. Được đứng sau để chồng tỏa sáng và thành công chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của riêng tôi”.
Bà Thảo cho biết, tiềm năng của ngành cà phê Việt Nam thực ra rất lớn, không những tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người, đem về cho đất nước hàng chục tỷ USD từ xuất khẩu mà còn có thể quảng bá thành một đặc trưng văn hóa của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi ấy cà phê vẫn đang chịu tiếng xấu là “cà phê đèn mờ”, “cà phê ôm”, bà Thảo đã bàn với chồng cần “giải oan” cho cà phê thì khách hàng mới dám bước chân vào quán.
“Vì thế, chúng tôi chọn hình thức xây dựng quán theo mô hình lịch sự, sang trọng. Khách hàng đến quán không chỉ để uống cà phê mà còn để thư giãn, đọc sách nghe nhạc, trò chuyện với bạn bè, làm việc với đối tác...”.
Quán đầu tiên của Trung Nguyên ra đời ngày 20/8/1998 tại Nguyễn Kiệm (Gò Vấp, TPHCM) với chiêu phục vụ cà phê miễn phí trong 7 ngày. Trên đà thành công, Trung Nguyên tiếp tục mở quán thứ hai ở ngã tư Pasteur – Điện Biên Phủ.
“Đến giờ vẫn nhiều người hỏi tôi: Làm thế nào mà Trung Nguyên phát triển được hệ thống nhanh chóng đến vậy? Đi đâu cũng thấy Trung Nguyên - tại những vị trí đắc địa, ngay các vòng xoay, các ngã ba ngã tư của thành phố”. Trả lời cho câu hỏi đó, bà Thảo không ngại tiết lộ bí quyết kinh doanh của mình chính là chiến lược “tam giác” trong xây dựng chuỗi.
“Cụ thể, khi bắt đầu, tôi cho mở 2 quán gần nhau, sau đó tìm thêm quán thứ ba để tạo thành 1 tam giác. Từ tam giác thứ nhất đó, chỉ cần thêm 1 điểm kế tiếp sẽ tạo thành tam giác thứ hai, thêm 1 điểm nữa thành tam giác thứ 3. Cứ thế, Trung Nguyên gợi cảm giác được mọc lên chỉ trong 1 đêm. Suốt 1 năm như vậy, hơn 500 quán cà phê Trung Nguyên được thành hình, đi đâu cũng thấy”. Từ đó, phá tan định kiến “quán cà phê là quán đèn mờ, chỉ có ôm ấp” từ những năm tháng bao cấp để lại.
Bích Diệp