Fica
  1. Doanh nghiệp

  2. Chuyển động doanh nghiệp

Nhìn lại những vụ "cá mập" ngoại thâu tóm "ông lớn" ngành dược Việt Nam

Mai Chi
Mai Chi

Tại báo cáo vừa công bố, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã điểm lại hai thương vụ M&A đình đám của ngành dược đó là thương vụ CRT mua lại Domesco và Taisho mua lại Dược Hậu Giang.

CFR (Abbott) mua lại DMC

Trước năm 2016, CFR International SPA (thuộc tập đoàn Abbott) đã sở hữu 45,9% cổ phần CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (mã DMC).

Vào tháng 9/2016, CFR đã mua gần 2 triệu cổ phiếu DMC để tăng tỷ lệ sở hữu lên 51,7%. Giá mua trung bình khoảng 90.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp đôi giá giao dịch bình quân trong vòng 1 năm trước đó của cổ phiếu này.

 

Taisho mua lại DHG

Vào ngày 30 tháng 6 năm 2016, Tập đoàn Dược phẩm Taisho (Nhật Bản) đã mua lại 24,4% cổ phần Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) với giá khoảng 100.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh là 62.000 đồng/cổ phiếu). Mức giá này cao hơn 50% so với giá giao dịch trung bình trong vòng 1 năm trước đó.

Gần đây, ngày 3 tháng 7 năm 2018, Taisho tiếp tục thực hiện chào mua công khai hơn 9,2 triệu cổ phiếu (tương đương 7,06% số cổ phiếu đang lưu hành), nâng tỷ lệ nắm giữ DHG lên 32%.

Giá chào mua là 120.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 22% giá giao dịch ngày thông báo, và cao hơn 15% giá giao dịch trung bình của DHG trong khoảng thời gian đó (khoảng 103.000-105.000 đồng). Nên nhớ DHG vốn đã được giao dịch ở mức cao nhất so với các công ty cùng ngành.

 

Tính toán của VDSC cho thấy thương vụ DMC được thực hiện ở mức 12,2x EV/ EBITDA (giá trị doanh nghiệp chia cho lợi nhuận trước thuế, nợ vay và khấu hao) 2016, trong khi các giao dịch DHG được định giá ở mức 8,9x EV/ EBITDA 2016 và 17,6x EV/ EBITDA 2018F.

 

Theo Bloomberg, các thương vụ M&A trong ngành dược có mức bội số EBITDA trung bình là 13,3x và bội số P/B là 3,2x.

VDSC kỳ vọng sẽ có nhiều hơn các hoạt động M&A trong ngành dược tại Việt Nam thời gian tới. Nguyên nhân là các tập đoàn nước ngoài đang nhắm đến các doanh nghiệp trong nước để tận dụng các cơ sở sẵn có, mạng lưới phân phối rộng lớn và lợi thế chi phí thấp ở Việt Nam.

Mai Chi