Cụ thể, doanh thu thuần của công ty được ghi nhận cao nhất từ trước đến nay đạt 3.141 tỷ đồng, tăng 59,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt147 tỷ đồng, cao hơn mức nền thấp cùng kỳ 71%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần công ty đạt 8.155 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 745 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 30% và 88% so với cùng kỳ và hoàn thành 85% kế hoạch doanh thu, vượt 71% chỉ tiêu lợi nhuận công bố tại họp đại hội đại cổ đông thường niên vừa qua.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của Nhiệt điện Quảng Ninh ghi nhận 8.868 tỷ đồng, không chênh lệch quá nhiều so với đầu năm. Trong đó hai nhân tố cấu thành chính vẫn là tài sản cố định và các khoản phải thu.
Giá trị các khoản tiền mặt mà doanh nghiệp nắm giữ đạt mức thấp kỷ lục với chỉ hơn 14 tỷ đồng, khoản tiền gửi tiết kiệm trong hạng mục đầu tư tài chính ngắn hạn cũng giảm 50% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm này bắt nguồn từ việc doanh nghiệp đẩy mạnh tốc độ trả nợ vay trước nhiều rủi ro tài chính như: (1) Khoản vay quốc tế gặp rủi ro về biến động tỷ giá; (2) Các khoản vay nội địa thì có lãi suất thả nổi, hình thành từ lãi suất huy động tiết kiệm cá nhân trung bình của các ngân hàng, vốn đang và dự kiến sẽ tăng trong nhiều quý tới.
Các khoản phải thu của công ty được ghi nhận trong quý 3 đã tăng khá mạnh lên 3.211 tỷ đồng, tuy vậy các khách hàng nợ ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam đều là các công ty phát điện, truyền tải điện thuộc sở hữu nhà nước nên rủi ro trích lập dự phòng khá thấp.Doanh nghiệp cũng tiến hành trích khấu hao khá đều đặn khi giá trị tài sản cố định đã giảm 50% trong 3 năm vừa qua.
Nhờ đẩy nhanh tốc độ trả nợ, giá trị các khoản vay, thuê tài chính ngắn và dài hạn của công ty đã giảm dần đều trong nhiều năm qua. Chỉ trong chưa đầy 4 năm, nợ tài chính dài hạn của QTP đã giảm từ 5.143 tỷ đồng xuống chỉ còn 879 tỷ đồng. Theo doanh nghiệp, các khoản vay ngắn và dài hạn sẽ được chi trả hoàn toàn vào năm 2024.Doanh thu quý 3 của doanh nghiệp ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay, nguyên nhân đến từ yếu tố nội lực và cả cầu thị trường. Vào cuối năm 2021, Nhiệt điện Quảng Ninh đã tiến hành đợt đại tu với một số tổ máy khiến công suất nền của doanh nghiệp không đạt mức tối ưu, yếu tố thủy văn thuận lợi cho thủy điện cũng làm giảm sản lượng huy động điện từ điện than. Sau khi quá trình đại tu hoàn thiện, công ty đã hưởng lợi từ nguồn cầu dồi dào khi nền kinh tế mở cửa trở lại kéo theo sản lượng điện huy động được phục hồi mạnh mẽ.
Lợi nhuận sau thuế của Nhiệt điện Quảng Ninh đạt 147 tỷ đồng, tăng khá mạnh so với các quý cùng kỳ. Tuy vậy biên lợi nhuận gộp quý 3 khá mỏng khi chỉ đạt 7,5%, thấp hơn so với quý 1, quý 2 lần lượt là 16% và 14,3%. Điều này đã xảy ra xuyên suốt các năm khi biên lợi nhuận của doanh nghiệp thường thấp trong quý 3 và phục hồi mạnh mẽ ngay sau đó ở quý 4.
Do vận động khối lượng lớn tiền và tiền gửi tiết kiệm để trả vốn và lãi vay trước rủi ro kép là biến động tỷ giá và nâng lãi suất nên đây cũng là quý mà thu nhập tài chính công ty ghi nhận khá thấp, chỉ vỏn vẹn 6 tỷ đồng. Mặt khác, chi phí tài chính công ty đã tăng đáng kể, cấu thành từ khoản lỗ tỷ giá của doanh nghiệp.
Trong tương lai gần, doanh nghiệp sẽ chưa được hưởng lợi quá nhiều từ các yếu tố ngoại cảnh do nhiệt điện vẫn chưa có đủ lợi thế cạnh tranh với thủy điện trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM). Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), hiện tượng thời tiết La Nina vẫn có thể kéo dài đến giữa năm 2023 và pha trung tính sẽ kéo dài từ 1-2 năm. Chỉ sau đó El Nino mới có thể diễn ra trở lại và nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than mới cạnh tranh lại với thủy điện.
Về triển vọng dài hạn của doanh nghiệp, theo Quy hoạch điện VIII của Nhà nước, năng lượng tái tạo sẽ được chú trọng phát triển trong khi nguồn nhiệt điện than sẽ bị hạn chế đáng kể từ giấy phép thành lập đến cấp vốn vay xây dựng nhà máy.