Tổng cục Thuế cho biết hiện số thu từ hoạt động thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân (Facebook, Youtube, Google…) trong nước khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, năm 2020 hiện chưa có số thu chính thức song số thu này có thể trên mức thu của năm 2019.
Cơ quan thuế đang ra quân rà soát các cá nhân kinh doanh online, người trốn tránh hoặc gian lận các nghĩa vụ về thuế có thể bị khởi tố
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, dù số thu cao 1.000 tỷ đồng, nhưng đây mới chỉ là số thu mà các cá nhân, người kinh doanh online tự khai báo và thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan Nhà nước, còn lại rất nhiều đối tượng lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để trốn tránh nộp thuế, hoặc khai báo gian lận để trốn thuế.
Chính vì vậy, khi Chính phủ ban hành Nghị định 126/2020 về tăng cường quản lý thuế, việc đầu tiên của cơ quan thuế là phối hợp với các ngân hàng thương mại để phối hợp các thông tin các tài khoản cá nhân được các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trả tiền.
Theo thông tin từ Bộ Thông tin - Truyền thông, ở Việt Nam tính đến cuối năm 2020 có khoảng 15.000 kênh Youtube bật nút kiếm tiền. Tuy nhiên, chỉ 30% trong tổng số kênh, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của Youtube tại Việt Nam, có kê khai và nộp thuế đầy đủ.
Hiện Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (hiệu lực từ 1/7/2020) đã quy định rõ các cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ nộp 2% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và 5% thuế giá trị gia tăng, tổng cộng sẽ nộp 7% tính trên doanh thu.
Hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM là nơi có số người kinh doanh online nhiều nhất cả nước, đồng thời đây cũng là nơi có số cá nhân được Google, Facebook và Youtube trả nhiều tiền nhất hiện nay.
Theo Cục Thuế Hà Nội, căn cứ hồ sơ khai thuế của người nộp thuế và cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế, tổng số thu năm 2019 và năm 2020 đối với các cá nhân có thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử (Google, Facebook, Youtube) Cục Thuế TP. Hà Nội thu được 148 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019 là 25 tỷ đồng, năm 2020 là 123 tỷ đồng (tăng 492% so với năm 2019); cá biệt có 3 cá nhân nộp thuế trên 7 tỷ đồng (cao nhất 23 tỷ đồng).
Còn tại TP.HCM, trong hội nghị tổng kết mới đây, Cục Thuế TP.HCM khẳng định sẽ tăng cường các biện pháp quản lý thu thuế, chống thất thu tập trung lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, cá nhân có thu nhập từ các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài.
Trước đó, như Dân trí đưa tin, cá nhân ông Trần Đức Phương (tại TP.HCM) đã bị cơ quan thuế truy thu số tiền thuế thu nhập cá nhân 41 tỷ đồng. Số tiền này bị truy thu từ nhiều năm, từ năm 2016 đến năm 2019.
Theo thông tin từ Cục Thuế TP Hà Nội để tăng cường thu thuế đối với các giao dịch xuyên quốc gia, các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ cho Google. Facebook hay Youtube, cơ quan thuế sẽ rà soát các trường hợp có doanh thu lớn, bất thường để đảm bảo các đối tượng này chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp cá nhân cố tình không thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế sẽ bị thanh, kiểm tra và xử phạt hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định. Thậm chí, ngành thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để khởi tố với trường hợp trốn thuế lớn, phức tạp...
Hiện, các ông lớn như Google, Youtube hay Facebook vẫn trả tiền cho các cá nhân, đối tác thông qua các tài khoản ngân hàng được lập sẵn. Với quy định của Nghị định 126/2020, cơ quan thuế sẽ làm việc trực tiếp với các đối tác cung cấp dịch vụ, trả tiền cho các cá nhân trong nước bên cạnh việc làm việc với các cá nhân, tập thể có liên quan.
Theo thông tin, cơ quan thuế hiện vẫn chưa nắm được hết các cá nhân được Google, Youtube, Facebook trả tiền hoặc làm đối tác ở Việt Nam.
An Linh