Fica
  1. Doanh nghiệp

Nguy cơ “mất trắng” vốn Nhà nước ở Tổng công ty Sông Hồng?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Lãnh đạo Tổng công ty Sông Hồng cho biết, với tình trạng lỗ luỹ kế 956 tỷ đồng tại ngày 30/9/2019, âm vốn chủ sở hữu 625,5 tỷ đồng, nợ tín dụng xấu nên tổng công ty này không đủ điều kiện về năng lực để tham gia các gói thầu. Nếu không cải thiện, nguy cơ phá sản, mất vốn Nhà nước là hiện hữu.

Lỗ luỹ kế suýt soát 1.000 tỷ đồng

Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng (mã SHG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2019 của công ty mẹ với kết quả tiếp tục bết bát. “Ông lớn” này đang cho thấy tình trạng “lún sâu” vào “vũng lầy” khó khăn, thua lỗ khi tất cả chỉ tiêu chính về kết quả sản xuất kinh doanh đều sụt giảm thê thảm so với cùng kỳ.

Nguy cơ “mất trắng” vốn Nhà nước ở Tổng công ty Sông Hồng? - 1

Tổng công ty Sông Hồng đang lún sâu trong thua lỗ (ảnh minh hoạ)

Cụ thể, quý III năm nay, Sông Hồng chỉ đạt vỏn vẹn 1,47 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 69% so với cùng kỳ. Nếu như cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thuần của tổng công ty hoàn toàn đến từ hợp đồng xây dựng thì trong năm nay, khoản này lại dựa vào cung cấp dịch vụ.

Giá vốn hàng bán do đó khác nhau (quý III năm nay giá vốn thấp hơn hẳn so với cùng kỳ), nhờ vậy, lãi gộp tăng mạnh 767%.

Chi phí trong kỳ của Sông Hồng tăng hơn gấp đôi lên 13,2 tỷ đồng (hoàn toàn là chi phí lãi vay), đây cũng là khoản chi “ngốn” tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí của tổng công ty này. Do đó, dù cho chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 36% thì lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Sông Hồng vẫn “lõm” nặng, âm gần 16 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ thuần 11,3 tỷ đồng).

Với khoản lợi nhuận khác “tí hon” chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ, công ty mẹ Sông Hồng báo lỗ 15,9 tỷ đồng cả trước và sau thuế trong quý III năm nay.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, mặc dù ghi nhận doanh thu tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ lên xấp xỉ 28 tỷ đồng song do chi phí tài chính tăng mạnh 117% lên hơn 40,5 tỷ đồng. Do đó, tổng công ty này tăng lỗ rất mạnh từ gần 28 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái lên gần 48 tỷ đồng trong năm nay.

Với tình trạng kinh doanh bế tắc như trên, lỗ luỹ kế của Tổng công ty Sông Hồng đã tăng lên con số 956 tỷ đồng tại ngày 30/9/2019. Trong khi đó, vốn góp của chủ sở hữu chỉ là 270 tỷ đồng. Theo đó, vốn chủ sở hữu của tổng công ty này tại thời điểm trên bị âm tới 628,5 tỷ đồng.

Nguy cơ “mất trắng” vốn Nhà nước ở Tổng công ty Sông Hồng? - 2

Kết quả kinh doanh (công ty mẹ) Tổng công ty Sông Hồng các kỳ gần đây

Âm vốn chủ, nợ tín dụng xấu

Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập theo quyết định của Bộ Xây dựng vào năm 2005, chuyển đổi thành công ty cổ phần năm 2010. Vốn điều lệ của tổng công ty này là 270 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9, Tổng công ty Sông Hồng đang có cổ phần tại 6 công ty con; 11 công ty liên doanh liên kết và có 5 đơn vị trực thuộc.

Lãnh đạo Tổng công ty Sông Hồng cho biết, với tình trạng lỗ luỹ kế 956 tỷ đồng tại ngày 30/9/2019, âm vốn chủ sở hữu 625,5 tỷ đồng, nợ tín dụng xấu nên tổng công ty này không đủ điều kiện về năng lực để tham gia các gói thầu nhằm tạo việc làm và nguồn tài chính cho công ty mẹ và các công ty thành viên.

Doanh thu và sản lượng chủ yếu của các công ty chuyển tiếp dở dang từ các năm trước chuyển sang có hiệu quả thấp, lãi vay lớn.

Công ty mẹ và tổ hợp các công ty thành viên vẫn tiếp tục mất khả năng thanh toán nghiêm trọng do nợ phải trả tiếp tục tăng từ phát sinh lãi vay phải trả cho công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, nợ phải trả liên quan đến các nghĩa vụ bảo lãnh cho các công ty con.

Để khắc phục tình trạng này, Ban Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Sông Hồng cho biết đang tái cơ cấu thông qua việc chuyển nhượng phần vốn góp tại các công ty con, công ty liên kết, thực hiện chủ trương của Bộ Xây dựng trong việc thoái vốn Nhà nước của Tổng công ty Sông Hồng về mức 36% hoặc Bộ Xây dựng phải bán hết vốn Nhà nước (nhẽ ra mục tiêu này đã phải được thực hiện trong năm 2018).

Sông Hồng cũng đang quyết toán các công trình tồn đọng và thu hồi công nợ. Số liệu tại báo cáo tài chính cho thấy, hiện nợ xấu của Sông Hồng lên tới 339 tỷ đồng nhưng chỉ có khả năng thu hồi 9% tương ứng 29 tỷ đồng. Chưa kể, Sông Hồng còn một số khoản nợ phải trả và nợ tiềm tàng khác.

Dự định của Ban Tổng giám đốc là tăng vốn điều lệ theo phương án tăng từ 270 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 bằng cách phát hành cổ phiếu phổ thông.

Được biết, gần đây, bà Trần Huyền Linh, người thay mặt tổ đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng, trong đó cho biết, nếu tình trạng kinh doanh bết bát kéo dài trong một thời gian ngắn nữa thì tổng công ty này buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ vốn Nhà nước.

Mai Chi

Nguy cơ “mất trắng” vốn Nhà nước ở Tổng công ty Sông Hồng? - 3