Fica
  1. Doanh nghiệp

Nguy cơ “đóng cửa” hầm Hải Vân, Đèo Cả vì “vỡ” phương án tài chính

Hầm Hải Vân, Đèo Cả - 2 công trình hầm đường bộ dài nhất Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động vì mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được cho là không thực hiện đúng các quy định, cam kết trong hợp đồng với nhà đầu tư.

Cam kết một đằng, thực hiện một nẻo

Từng được đánh giá là mô hình kiểu mẫu của hình thức hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, nhưng dự án hầm đường bộ Đèo Cả hiện đang phải đối mặt nguy cơ phá vỡ phương án tài chính do hàng loạt vướng mắc, bất cập kéo dài không được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải quyết, tháo gỡ dứt điểm.

Ông Lưu Xuân Thủy - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, do buộc phải tuân thủ quy định tại Thông tư 35/2016 nên từ khi hầm Đèo Cả tiến hành thu phí từ 3/9/2017 đến nay, mức phí nhà đầu tư thu thấp hơn rất nhiều so với mức giá trong phương án tài chính đã được Bộ GTVT phê duyệt, làm thâm hụt lớn nguồn thu và gây thiệt hại cho Dự án.

“Tính toán thực tế cho thấy, từ ngày 1/1/2018 đến 1/10/2018, dự án thâm hụt nguồn thu khoảng 65,7 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng 7,3 tỷ đồng.” - ông Thủy nói và cho biết, nhà đầu tư đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT tháo gỡ vướng mắc nhưng suốt thời gian dài chưa được giải quyết, khiến dự án không đủ nguồn thu để duy trì công tác vận hành hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả và đường dẫn.

Đường dẫn ra vào hầm xuyên núi Đèo Cả

Đường dẫn ra vào hầm xuyên núi Đèo Cả

Đại diện nhà đầu tư cho rằng, trường hợp không giải quyết được, đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện việc tiếp nhận lại hầm Đèo Cả để vận hành khai thác, tránh phải dừng vận hành hầm, gây mất an toàn cho người dân.

Nằm trong dự án Đèo Cả, hầm Hải Vân công trình hầm đường bộ dài nhất Việt Nam (dài hơn 6,2km) cũng đang trước nguy cơ phải dừng hoạt động vì mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Hầm Hải Vân bao gồm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 thực hiện sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân số 1, tuyến đường dẫn và đường qua đèo Hải Vân; giai đoạn 2 thực hiện mở rộng hầm Hải Vân số 2 và xây dựng tuyến đường dẫn mới.

Ông Lưu Xuân Thủy cho biết, giai đoạn 1 đã hoàn thành hơn 1 năm với giá trị trên 1.200 tỷ đồng. Nhà đầu tư cũng đã ứng hơn 315 tỷ đồng cho công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1 từ năm 2016 đến nay. Giai đoạn 2 đã đào được 60% chiều dài hầm, đảm bảo tiến độ được phê duyệt.

Theo phương án tài chính được Bộ GTVT phê duyệt, trạm thu phí Nam Hải Vân sẽ được thu phí từ ngày 1/1/2017 để có nguồn kinh phí để thực hiện công tác quản lý vận hành và hoàn vốn cho hạng mục sửa chữa nâng cấp hầm Hải Vân 1 và tuyến QL1 qua đèo Hải Vân. Tuy nhiên, do việc vướng mắc với trạm thu phí Phước Tượng – Phú Gia (trạm Bắc Hải Vân) đặt tại cửa Bắc hầm Hải Vân, cách vị trí trạm Nam Hải Vân khoảng 12km, dẫn tới không thể thu phí tại trạm Nam Hải Vân.

Cùng đó, với việc Bộ GTVT phê duyệt phương án sử dụng chung trạm Bắc Hải Vân để thu phí hoàn vốn cho cả hai dự án khiến doanh thu được chia sẻ cho Công ty CPĐT Đèo Cả chưa đủ để thực quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và trả nợ theo hợp đồng tín dụng với Ngân hàng tài trợ vốn.

Ông Thủy cho biết, phương án tài chính của dự án đang mất cân đối nghiêm trọng, đồng thời việc nhà đầu tư phải ứng số vốn lớn, trong thời gian dài để quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 nhưng không được đảm bảo nguồn thu khiến doanh nghiệp rất khó khăn. Bộ GTVT đã xác nhận thực trạng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháng 9/2018, nhưng quá trình giải quyết chưa xác định kết quả cụ thể.

“Đe” cắt điện hầm xuyên núi

Mới đây, Điện lực Liên Chiểu (Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng) đã phát văn bản đề nghị Công ty CP Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) thanh toán hơn 2 tỷ tiền điện.

Văn bản do ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Điện lực Liên Chiểu ký nêu rõ: “Hamadeco giải quyết thanh toán nhanh số tiền điện còn nợ đọng, nếu chậm trễ chúng tôi buộc phải ngừng cung cấp điện. Mọi tổn thất phát sinh trong quá trình vận hành hầm phía Hamadeco chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ngoài ra, chúng tôi sẽ báo cáo đơn vị chức năng để giải quyết và phía Hamadeco còn phải trả khoản lãi chậm theo quy định”.

Hầm Hải Vân

Hầm Hải Vân

Ngày 17/10/2018, Hamadeco tiếp tục phát đi văn bản đề nghị Công ty CP Đèo Cả thanh toán chi phí quản lý vận hành và bảo dưỡng hầm đường bộ Hải Vân 1. Hamadeco cho biết đã nỗ lực huy động rất nhiều nguồn lực để trang trải các chi phí nhưng không thể đáp ứng, các đối tác liên tục đòi nợ gây sức ép, điển hình là Điện lực Liên Chiểu đã 4 lần phát văn bản với nội dung sẽ buộc ngừng cung cấp điện hoạt động hầm Hải Vân nếu Hamadeco không thực hiện ngay việc thanh toán.

Trước những vướng mắc tại dự án, hôm 18/10, nhà đầu tư Đèo Cả tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến QL1 qua đèo Hải Vân từ ngày 5/11/2018. Trường hợp Bộ GTVT không đảm bảo được nguồn kinh phí, để xảy ra việc cắt điện, công nhân vận hành nghỉ làm, các thiết bị an toàn trong hầm dừng hoạt động… dẫn tới gián đoạn và không đảm bảo an toàn cho việc lưu thông qua hầm Hải Vân 1 từ thời điểm sau ngày 5/11/2018 trở đi, Bộ GTVT hoàn toàn chịu trách nhiệm.

“Bộ GTVT vi phạm hợp đồng dự án, kéo theo việc vi phạm hợp đồng tín dụng giữa nhà đầu tư với ngân hàng tài trợ vốn, do đó buộc Nhà đầu tư sẽ phải xe xét đến phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GTVT tiếp nhận lại dự án Đèo Cả, Hải Vân để vận hành khai thác.” - văn bản của nhà đầu tư Đèo Cả nêu rõ.

Châu Như Quỳnh