Fica
  1. Doanh nghiệp

Nghịch lý: Thái Lan đòi mua gạo, doanh nghiệp Việt khó bán!

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Thái Lan muốn mua gạo Việt vì là gạo mới, nấu cơm ngon, giá cạnh tranh nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước không thể ký hợp đồng xuất khẩu.

Nghị định 107/2018 thay thế Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo đã bãi bỏ một số điều kiện gây khó cho doanh nghiệp (DN) muốn gia nhập ngành kinh doanh này. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn đang mất nhiều thời gian, vốn đầu tư để đáp ứng các điều kiện phải có kho chứa, có nhà máy để được cấp phép xuất khẩu gạo.

Lỡ mất nhiều cơ hội

Ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, kể cách đây không lâu, khi tham dự hội chợ về gạo tại Thái Lan, ông quyết định mang gạo Việt Nam (VN) theo giới thiệu. Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên vì Thái Lan vốn là quốc gia xuất khẩu gạo mạnh, là đối thủ so kè của gạo VN trên thị trường quốc tế.

“Tôi chọn gạo ST của TS Hồ Quang Cua (Sóc Trăng) mang sang chào hàng người dân nước bạn. Trong mấy ngày hội chợ, tôi đưa gạo ST ra nấu, mùi cơm thơm lừng, thêm chút nước mắm, nấm rơm, chà bông… và thế là rất đông người đến xếp hàng để thưởng thức. Sau đó, sáu đối tác Thái Lan đến đặt hàng mua gạo VN” - ông Thiện chia sẻ.

Điều đáng nói là dù đối tác Thái Lan muốn mua gạo Việt nhưng ông Thiện đành phải lắc đầu. “Tôi từ chối vì mình chưa có giấy phép xuất khẩu nên chưa thể ký kết với họ” - ông Thiện tiếc nuối. Ông cho hay hiện Cỏ May chưa đáp ứng đủ điều kiện có kho chứa theo quy định của Nghị định 107. Vì thế, hiện để xuất khẩu gạo sang Singapore, công ty phải thông qua một DN lớn có giấy phép xuất khẩu.

“Chúng tôi đang phải đi đường vòng, chấp nhận trả nhiều chi phí, giảm lợi nhuận và nhiều rủi ro khác để xuất khẩu sản phẩm gạo mang thương hiệu của mình sang Singapore. Nếu áp dụng cách này để xuất khẩu gạo sang Thái Lan thì công ty không có lời. Trong khi đó, nếu được xuất khẩu gạo trực tiếp thì công ty không phải tốn những khoản chi phí trên” - ông khẳng định.

Nhiều DN kinh doanh gạo khác cũng gặp những khó khăn tương tự do vướng các quy định tại Nghị định 107, chủ yếu là quy định thương nhân được kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đặc biệt, quy định thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo không được cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo… đã khiến nhiều công ty nhỏ buộc phải đầu tư vốn lớn để xây kho chứa, nhà máy xay xát (vì đi thuê rất khó khăn).

Nghịch lý: Thái Lan đòi mua gạo, doanh nghiệp Việt khó bán! - 1

Nhiều công ty xuất khẩu buộc phải đầu tư vốn lớn để xây kho chứa, nhà máy xay xát nếu muốn đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận xuất khẩu. Ảnh: Q.HUY

Đừng đánh mất lợi thế của gạo Việt

Theo GS Võ Tòng Xuân,  thời gian gần đây sản xuất lúa ở nước ta có sự đổi mới. Nông dân sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, giảm phân hóa học cho nên ít sâu bệnh, nhiều giống lúa tương đối chất lượng, ngon cơm hơn. Nhiều DN đã xây dựng nhà máy, vùng nguyên liệu rất tốt, có logo thương hiệu riêng. Chất lượng gạo Việt đang được thị trường tiêu dùng đón nhận tốt.

GS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng trong cơ chế thị trường như hiện nay, các DN muốn xuất khẩu gạo thành công thì phải có tính chuyên nghiệp và tạo được uy tín trên thị trường thế giới. Mặt khác, các thị trường nhập khẩu hiện không chỉ thay đổi cơ chế nhập khẩu gạo mà còn bắt đầu có những yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm.

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu gạo ba tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,43 triệu tấn với kim ngạch 593 triệu USD, giảm 3,5% về khối lượng và giảm hơn 20% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân hai tháng đầu năm 2019 đạt 404 USD/tấn, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2018. Philippines là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của VN với 40% thị phần. 

Do vậy, các DN phải có sự liên kết với nông dân, các hợp tác xã để xây dựng vùng nguyên liệu có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu cho chính DN cũng như ngành gạo VN.

“Gạo Thái chất lượng có thể tốt nhưng mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ nên gạo để lâu thành gạo cũ, không còn tươi ngon. Trong khi đó, VN mỗi năm có 2-3 vụ nên luôn có gạo mới xuất khẩu. Đấy là lý do gạo Việt có thể xuất hiện trên kệ các siêu thị ở Singapore. Vấn đề hiện nay là DN phải làm tốt thương hiệu, bao bì sản phẩm, tăng cường tiếp thị mở rộng thị trường” - GS Xuân chia sẻ.

Tuy nhiên, GS Xuân cho rằng xuất khẩu gạo cũng cần sự hỗ trợ, trách nhiệm từ cơ quan quản lý, hiệp hội trong việc cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện cho DN xuất khẩu.

Đồng quan điểm, đại diện nhiều DN kinh doanh gạo cho hay tình trạng cạnh tranh, bán phá giá thường xảy ra ngay chính trên sân nhà. Vì vậy, các DN trông chờ Hiệp hội Lương thực VN (VFA) phải sớm thay đổi trong quản lý, điều hành nhằm tạo sự phối hợp giữa các DN để khi đi đấu thầu có thể đưa ra mức giá có lợi nhất cho nông dân và DN.

Đau đầu với “bẻ kèo” hợp đồng

Một vấn đề khiến nhiều DN xuất khẩu gạo khó xử là xây dựng cánh đồng lớn. Ông Nguyễn Văn Đôn, Tổng Giám đốc Công ty Việt Hưng, cho biết trở ngại trong việc xây dựng cánh đồng lớn là có nhiều nông dân thường xuyên “bẻ kèo” khiến DN rất khó khăn về nguồn nguyên liệu.

“DN cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ kỹ thuật… nhưng nhiều nông dân đến khi thu hoạch thấy giá cao lại bán cho thương lái. Dù hợp đồng có quy định chế tài nhưng họ không sợ, sẵn sàng đền vì vẫn còn lời” - ông Đôn nói. 

Theo: Quang Huy

Pháp luật TPHCM