Hình minh hoạ. |
Công ty chứng khoán SSI vừa ra báo cáo đánh giá về ngành bia với tựa đề: Ngành bia, thời gian khó khăn đã qua, thị trường đang dần phục hồi.
Theo nhóm phân tích SSI, hầu hết công ty trong ngành này niêm yết trên sàn chứng khoán đều phục hồi dần trong quý II. Như Sabeco ghi nhận quý I giảm mạnh do không tích cực đẩy mạnh kênh bán hàng và phân phối. Tuy nhiên, mức tiêu thụ bia của doanh nghiệp này trong tháng cuối cùng của quý II gần như đã phục hồi về trước khi có dịch. Biên lợi nhuận gộp cũng cao hơn nhờ nỗ lực cắt giảm chi phí. Kết quả này cũng tương đồng với nhiều doanh nghiệp sản xuất bia khác.
Trong cả năm, nhóm phân tích ước tính sản lượng bia của Sabeco giảm khoảng 30% so với cùng kỳ. Nửa cuối năm nay được kỳ vọng sẽ tốt hơn 6 tháng đầu năm, nếu như không có đợt giãn cách xã hội nào trên phạm vi cả nước như đầu tháng 4.
Năm 2021, SSI kỳ vọng ngành này có thể phục hồi 20% do sự phục hồi từ mức cơ sở thấp trong năm 2020. Mặc dù vậy, nhóm phân tích cho biết không kỳ vọng mức tiêu thụ bia sẽ đạt mức trước khi có dịch Covid-19 trong năm 2021.
"Chúng tôi cho rằng, tiêu thụ bia có thể mất vài năm để phục hồi về mức trước khi có dịch Covid-19 và trước khi ban hành Nghị định 100", nhóm chuyên gia SSI nhận định.
Đối với Sabeco, nhóm phân tích ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ ở ngưỡng trên 28% trong 2-3 năm tới. Trong năm 2021, ước tính công ty này có thể đạt 33.330 tỷ đồng doanh thu thuần và 5.082 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 23% và 27,5% so với cùng kỳ. Năm 2022, doanh thu thuần có thể đạt hơn 36.000 tỷ, với lợi nhuận ròng gần 6.000 tỷ đồng.
Trước đó, nhu cầu đối với bia bị ảnh hưởng tiêu cực hơn bởi dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng giảm 12,7%, trong khi Nielsen thống kê tiêu thụ danh mục sản phẩm FMCG chỉ giảm 7,3%. Theo Nielsen, sản lượng tiêu thụ giảm 22,6% so với cùng kỳ trong Q2/2020. Dữ liệu của Nielsen phản ánh mức tiêu thụ bia thực tế, trong khi doanh thu của SAB và các công ty bia khác phản ánh số liệu từ nhà máy sản xuất tới các đại lý phân phối.
Tỷ trọng tiêu thụ bia chiếm 20,7% trong tiêu thụ FMCG tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 (theo Nielsen), giảm nhẹ so với mức giảm 22% trong năm 2019. Sản lượng sản xuất phục hồi kể từ tháng 5, tăng 60% so với giai đoạn tháng 2 đến tháng 4. Sản lượng lũy kế giảm 17% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2020, theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
SSI cho biết, quý 2 là quý xấu nhất đối với ngành bia do chính sách giãn cách xã hội trên toàn quốc trong 3 tuần đầu tiên của tháng 4, và do các cơ sở kinh doanh đồ uống bị yêu cầu đóng cửa trong thời gian dài hơn các cơ sở kinh doanh khác (giữa tháng 3 đến đầu tháng 6). Các yêu cầu đóng cửa đối với các cơ sở kinh doanh đồ uống như vậy tiếp tục được ban hành tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao trong đợt bùng phát dịch bệnh hiện tại.
Q1 là quý xấu nhất đối với lợi nhuận của SAB, do SAB không tích cực đẩy mạnh kênh bán hàng và phân phối trong quý 1. Tuy nhiên, mức tiêu thụ bia gần như đã phục hồi về mức trước khi có dịch Covid-19 vào tháng 6, theo SAB. Biên lợi nhuận cao hơn cũng được ghi nhận do nỗ lực cắt giảm chi phí của công ty. Tương tự, hầu hết các công ty sản xuất bia niêm yết đều phục hồi dần trong quý 2.
Nguyễn Khánh