Khi truyền hình trả tiền chỉ còn khoảng vài chục nghìn đồng mỗi tháng
Nếu như trước kia, truyền hình trả tiền có mức giá khoảng hơn 100.000 đồng mỗi tháng, thì hiện nay, do áp lực cạnh tranh, mức giá đã được hạ xuống chỉ còn khoảng vài chục nghìn đồng mỗi tháng. Cụ thể, như với FPT, mặc dù mức giá trên website niêm yết khoảng 80.000 đồng/tháng cho gói cơ bản và từ 30.000 đồng/tháng trở lên cho các gói mở rộng. Tuy nhiên, chỉ cần vài thao tác tìm kiếm trên mạng, bất kì ai cũng tìm kiếm được những gói cước combo cả Internet và truyền hình với mức phí chỉ chênh khoảng hơn 40.000 đồng so với gói cước Internet. Như gói Super 35, mức giá thuần Internet từ 200.000 đồng -215.000 đồng/ tháng thì combo cả truyền hình chỉ tăng lên khoảng 240.000 đồng -260.000 đồng/tháng, chênh lệch khoảng 40.000 đồng/tháng.
Tương tự, 2 nhà mạng lớn còn lại là VNPT và Viettel cũng liên tục có những chính sách tốt cho gói cước combo Internet và truyền hình IPTV chỉ chênh lệch khoảng vài chục nghìn đồng/tháng. Ví dụ như gói cước của Viettel là Net2Plus với tốc độ khoảng 40 Mbps, nếu chỉ lắp Internet giá khoảng 200.000 đồng/tháng nhưng lắp thêm truyền hình IPTV thì chỉ tăng khoảng 40.000 đồng/tháng cho gói combo Flexi 2. Còn VNPT, mức phí truyền hình còn có sự chênh lệch giữa việc sử dụng ứng dụng MyTV trên Android TV/Android Box với việc lắp set-top box.
Với VTV Cab và SCTV, mức phí lắp đặt chỉ xem truyền hình cũng đều ở mức khá cao, khoảng 160.000 đồng/tháng để xem kênh HD. Tuy nhiên, nếu sử dụng combo cả Internet thì cũng có mức giá khá mềm từ 290.000 đồng - 350.000 đồng/tháng cho cả Internet gói 30 Mbps -35 Mbps và truyền hình HD.
Còn với truyền hình OTT, các ứng dụng như Clip TV, VTV Cab on, FPT Play cũng có mức giá tương tự như truyền hình cáp và truyền hình IPTV. Mức cước hàng tháng trung bình từ 50.000 đồng - 69.000 đồng/tháng.
Giá truyền hình trả tiền thấp ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thị trường
Trong báo cáo Tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Bộ TT&TT, doanh thu truyền hình trả tiền năm 2019 ước đạt mức 8.300 tỷ đồng, tăng 2.5% so với cùng kỳ năm trước (8.100 tỷ đồng). Tuy nhiên, điều đáng chú ý là dù thuê bao truyền hình trả tiền liên tục tăng và thị trường cạnh tranh rất mạnh trong vài năm trở lại đây nhưng doanh thu truyền hình trả tiền năm 2019 vẫn thấp hơn thời điểm năm 2015, khi năm 2015 chạm mốc 9.900 tỷ đồng.
Báo cáo cũng cho thấy, khó khăn đối với lĩnh vực truyền hình trong năm qua là việc giá mặt bằng truyền hình trả tiền hiện đang rất thấp, ARPU (doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao) chỉ khoảng hơn 40.000 đồng/thuê bao/tháng (khoảng gần 2 USD/thuê bao/tháng). Trong khi ARPU của khu vực ASEAN trung bình đạt 10 - 30 USD/thuê bao/tháng. Trong đó, Singapore có chỉ số ARPU cao nhất, đạt 32 USD/thuê bao/tháng; Philippines ở mức thấp, nhưng cũng đạt 9 USD/thuê bao/tháng.
Báo cáo Bộ TT&TT khẳng định, điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thị trường truyền hình trả tiền, trong khi cơ quan quản lý không can thiệp được vì đây là loại hình dịch vụ không do nhà nước quản lý giá.
Đánh giá về tình trạng này, lãnh đạo một đơn vị truyền hình trong nước cũng cho rằng thị trường đang rất cạnh tranh và ngày càng khó khăn hơn vì tình trạng thuê bao tăng, doanh thu lại giảm, trong khi phần lớn kinh phí sử dụng để mua bản quyền nội dung, chỉ còn lại rất ít kinh phí để tự sản xuất.
Thậm chí, đại diện một ứng dụng OTT cho biết còn đang phải chấp nhận lỗ để thu hút người dùng, vì tiềm năng của thị trường này là rất lớn.
Trước đó, trả lời trên truyền thông, đại diện Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho rằng, lý do khiến ARPU của truyền hình trả tiền quá thấp, là do có hiện tượng bù chéo giữa dịch vụ viễn thông và truyền hình của các nhà mạng viễn thông. Ví dụ, hiện nay có những gói combo nhiều dịch vụ, một thuê bao dùng nhiều dịch vụ của nhà mạng cùng lúc như Internet và truyền hình thì khách hàng có khi chỉ phải trả tiền Internet là được dùng miễn phí dịch vụ truyền hình chẳng hạn.
Bên cạnh hiện tượng bù chéo, còn có dấu hiệu ẩn doanh thu bằng cách đơn vị cung cấp dịch vụ không có hợp đồng mẫu, không hạch toán chi tiết từng dòng doanh thu trên hóa đơn, do đó có thể vừa trốn được doanh thu, vừa đẩy giá dịch vụ truyền hình xuống thấp. Trong thời gian tới Cục sẽ bàn bạc với Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam để đưa ra biện pháp làm sao chống cạnh tranh không bình đẳng, chống hiện tượng bù chéo giữa viễn thông và truyền hình để kéo giá dịch vụ xuống.
Gia Khánh