CTCP Dược phẩm Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần quý III/2022 đạt 419 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 72 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 61% và 89% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp kể từ đầu năm 2022.
Hiện công ty đang sở hữu 3 nhà máy đạt chuẩn EU-GMP, 1 nhà máy đã đạt chuẩn WHO-GMP đang chờ xét duyệt EU-GMP. Nhờ đó công ty có lợi thế hơn các đối thủ cùng ngành trong đấu thầu ở phân khúc thuốc kê đơn (ETC) khi sẽ được bán những loại thuốc mang lại biên lợi nhuận tốt hơn. Chính vì vậy, việc xã hội mở cửa trở lại đã giúp tăng số lượng người dân đi khám tại các cơ sở bệnh viện, tăng tỷ lệ tiếp cận của bệnh nhân với dòng thuốc kê đơn.
Hơn nữa, việc Ấn Độ hay các quốc gia khối EU đồng thời mở cửa lại nền kinh tế đã giúp giá nguyên vật liệu đầu vào của dược phẩm là API hạ nhiệt, các chi phí vận tải cũng giảm tương ứng, vì vậy biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể và quay về mức trước dịch.
Biểu đồ: Dương Hoàng |
Dù vậy, nhân tố xúc tác trên có thể không kéo dài khi Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách Zero-COVID, qua đó làm nguồn cung API toàn cầu bó hẹp. Bên cạnh đó, nhập khẩu API trong quý IV/2022 sẽ gặp khó hơn do sự phục hồi của đồng Euro và Rúp Ấn Độ trong thời gian gần đây khiến giá đầu vào nhập khẩu ngày càng đắt đỏ.
Trong tương lai, động lực chính của Imexpharm nằm ở việc thành công xin cấp chứng nhận EU-GMP cho nhà máy IMP4 mà theo công ty, nhà máy sẽ sản xuất các loại thuốc kháng sinh mà Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ từ trước đến nay. Việc xây dựng nhà máy đã được hoàn thành từ lâu nhưng do dịch bệnh nên các đơn vị có thẩm quyền từ Châu Âu chưa thể đến để kiểm nghiệm và đánh giá.
Nhà máy Dược công nghệ cao tại Bình Dương (IMP4) của Imexpharm - Nguồn: IMP |
Lũy kế 9 tháng, CTCP Dược phẩm Imexpharm đạt doanh thu thuần 1.086 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế lũy kế đạt 155 tỷ đồng, tăng trưởng 27% so với cùng kỳ. So với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã đề ra, Imexpharm đã thực hiện lần lượt 75% và 72% mục tiêu năm.