Mua bán khẩu trang không thành, giám đốc bị xã hội đen vây kín cửa nhà
Sau nhiều ngày bị những người không rõ lai lịch vây kín khu chung cư đang ở, ông Nguyễn Thế Hưng (Hà Đông, Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại và XNK Hưng Phát (sau đây gọi tắt là Công ty Hưng Phát) đã phải viết đơn cầu cứu gửi đi nhiều nơi cho rằng, ông này đã bị đối tác thuê "xã hội đen" uy hiếp.
Ông này cho biết Công ty Hưng Phát có ký 2 hợp đồng mua bán khẩu trang với Công ty TNHH may-xuất nhập khẩu Trường Tiến của ông Hoàng Văn Tiến (Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) vào ngày 27/7/2020. Với thoả thuận giao hàng là sau 30 ngày tính từ ngày bên bán nhận đủ số tiền đặt cọc.
Trong hợp đồng nêu rõ điều kiện nếu bên mua không thực hiện hợp đồng: Tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng, tự ý huỷ ngang không thực hiện hợp đồng,…thì sẽ mất toàn bộ số tiền đặt cọc trên.
Từ ngày 29 - 31/7, phía ông Tiến đã chuyển khoản đủ số tiền cọc là 3,6 tỷ đồng (tương đương 30% giá trị hợp đồng) theo thoả thuận. Sau khi nhận tiền cọc, ông Hưng cho biết, đã sử dụng tiền mua nguyên vật liệu, máy móc, chuẩn bị nhà xưởng, công nhân và đặt 1 số đơn vị gia công thực hiện hợp đồng.
“Song, đến ngày 3/8 thì ông Tiến lại liên hệ đòi huỷ hợp đồng không lấy hàng, đòi tiền cọc và bắt tôi phải chịu phạt thêm 50% số tiền đã cọc, mặc dù chưa đến thời gian giao hàng”, ông Hưng cho hay.
Thông báo giao hàng đầu tiên ngày 3/8/2020, sau khi ký hợp đồng vài ngày.
Cũng theo ông Hưng, từ ngày 3/8 - 8/8, công ty ông đã liên tục gửi 5 công văn giao hàng tới ông Tiến, nhưng phía ông Tiến đã từ chối nhận hàng.
Về phía ông Tiến, sau sự việc trên đã lên mạng xã hội và khẳng định rằng, ông Hưng đang tiếp tay cho các đối tượng cò lừa đảo. Và việc ông Hưng giao hàng vào những ngày đó đã quá muộn, thời điểm đó không còn ý nghĩa gì nên họ không nhận hàng.
Đến ngày 5/8, sau khi các sự cố ngoài ý muốn xảy ra, ông Hưng đã hẹn ông Tiến tới nhà máy để làm việc cùng với môi giới đứng giữa nhưng cũng không thành công. Vì theo ông Hưng, khi ông đến xưởng thì xích mích giữa ông Tiến và nhân viên công ty xảy ra mà ông không hề biết. Sau đó, ông Tiến đã về mà không có cuộc đối thoại.
Khoảng gần 20 người đã vây xưởng ông Hưng ở Hà Đông (Hà Nội).
Phải đến ngày 22/8, cuộc hẹn mới được thiết lập lại tại nhà máy ở Hà Đông của ông Hưng. Song, khi về đến nhà máy thì ông Hưng cho rằng, ông Tiến đã cùng khoảng 20 người lạ mặt, "xăm trổ" trên người đi vào nhà máy của ông mà chưa được sự đồng ý.
“Khi tôi yêu cầu nhóm người này ra ngoài do đang mùa dịch bệnh, thì họ vẫn ngồi xung quanh nhà máy để gây áp lực bắt tôi trả lại tiền cọc. Tôi phải gọi công an xã An Khánh và gọi bạn đến giải vây mới có thể thoát khỏi nhà máy của mình”, ông Hưng nói.
Thế nhưng, sự việc chưa dừng lại ở đó, ông Hưng cho rằng, những tin nhắn dọa nạt, các cuộc gọi uy hiếp tinh thần ông vài ngày sau đó là do ông Tiến cho người thực hiện.
Đỉnh điểm, tới ngày 23 giờ ngày 23/8/2020, có 4 thanh niên xăm trổ đã tới tận nhà riêng của ông Hưng, tự ý mở cửa sổ nhà để nhìn ngó. Ngày hôm sau, thậm chí có tới 20 người lạ mặt, xăm trổ đã án ngữ tất cả các lối ra vào trước nhà ông Hưng.
Các đối tượng xăm trổ vây các lối ra vào.
Quá hoảng sợ, ông Hưng đã phải sơ tán vợ con và mời lực lượng chức năng đến làm việc. Các đối tượng này chỉ rời đi trong ngày hôm đó, rồi quay lại tiếp tục vây ráp ông Hưng trong vài ngày tiếp theo.
Về phía ông Tiến, nỗi bức xúc khiến ông ăn ngủ không yên cả tháng qua là bởi, sau khi chuyển 8,1 tỷ đồng tiền cọc thì ông này vẫn không nhận được thùng khẩu trang nào theo hợp đồng đã ký.
Trong đó, ông Tiến đã chuyển 3,6 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Hưng Phát, 2,4 tỷ đồng cho ông Thường và 2,1 tỷ đồng cho ông Vượng (cả 2 người này đều là môi giới).
Song, khi ông Tiến đến Công ty Hưng Phát làm việc với ông Nguyễn Thế Hưng – Tổng giám đốc công ty thì ông Hưng cho rằng, không có lịch giao hàng nào cho công ty ông Tiến và cũng không biết ông Tiến là ai.
Trả lời chi tiết này, ông Hưng khẳng định, phía ông Tiến đã nói chưa đúng sự thật. Bởi trước khi ký hợp đồng, ông Hưng đã cử vợ đưa ông Tiến đi tham quan nhà xưởng. Thời gian giao hàng cũng đã được sửa thành từ 20 - 30 ngày như phía ông Tiến mong muốn.
Thời gian giao hàng trong hợp đồng thường không ghi do nguồn nguyên liệu khó đảm bảo.
“Việc để thời gian giao hàng vào hợp đồng trước đây công ty tôi không hề làm. Bởi khẩu trang là mặt hàng nhạy cảm, đôi khi giá nguyên liệu đầu vào có thể tăng vọt, hoặc thậm chí không có để nhập. Nên việc đưa thời gian giao hàng vào trong hợp đồng là rất chiều ý khách”, ông Hưng nói và cho rằng, do đó, việc ông Tiến đòi huỷ hợp đồng chỉ sau vài ngày, vì chúng tôi chưa giao hàng là điều vô lý.
Giám đốc Công ty Hưng Phát cũng cho biết, ông không hề né tránh và sẵn sàng ngồi lại để giãn thời gian thực hiện hợp đồng cho ông Tiến, đến khi nào ông Tiến tìm được khách hàng mới. Nếu không thể, thì nên kiện phía công ty ông Hưng thay vì có các hành động khác.
Thế Hưng