Nguồn tin của VietNamNet cho biết, một tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử lớn của Mỹ đang nghiên cứu khả năng đầu tư vào Việt Nam thời gian tới.
Số vốn dự kiến tập đoàn này đầu tư có thể lên đến hàng tỷ USD.
Lãnh đạo tập đoàn đã có những giao thiệp, bày tỏ ý muốn đầu tư này đến một số cơ quan của Việt Nam.
Tập đoàn này hiện đã gửi một số đề xuất liên quan đến các cơ chế ưu đãi về thuế và tài chính, về lao động, giờ làm thêm, vận tải hàng không,... đến các cơ quan hữu quan Việt Nam để xem xét.
Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn lớn.
Tập đoàn này cũng có nhà máy sản xuất lớn ở Trung Quốc.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cho thấy: Việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, đây được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài sau đại dịch. Các tập đoàn xuyên quốc gia cũng đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn để Việt Nam đón đầu làn sóng này.
“Trên thực tế, có nhiều thông tin về các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam. LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng”, Bộ Công Thương cho biết.
Thời gian qua, "người khổng lồ" Apple cũng đã gia tăng đặt hàng các nhà cung ứng ở Việt Nam để phục vụ việc lắp ráp sản phẩm của tập đoàn này.
Tại hội nghị doanh nghiệp phát triển bền vững chuỗi giá trị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức ngày 24/7, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Các quốc gia trên thế giới đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các doanh nghiệp FDI lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện hiệu quả, an toàn và bền vững.
Theo L. Bằng
VietnamNet