Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) do Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh dẫn đầu mới đây, ông Nguyễn Văn Đông - Tổng giám đốc Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem đã báo cáo về tình hình quản lý đầu tư Dự án Nhà máy DAP số 2.
Theo ông Nguyễn Văn Đông, sản phẩm của Dự án DAP số 2 đã góp phần hạn chế nhập khẩu DAP, kiềm chế việc sốt giá phân bón DAP, sử dụng 100% nguồn quặng apatit trong nước. Bên cạnh đó, dự án cũng tạo việc làm cho gần 600 lao động tại Công ty. Về hiệu quả đầu tư dự án, cơ bản đạt tiến độ, hạn chế phát sinh lãi vay vốn đầu tư trong xây dựng cơ bản.
Tuy nhiên, về kết quả sản xuất, kinh doanh từ năm 2015 - đến tháng 8/2019, ông Nguyễn Văn Đông cho biết, từ khi dự án đi vào vận hành thương mại đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm luôn gặp khó khăn (giá bán giảm mạnh, có những thời điểm thấp hơn chi phí biến đổi, nhập khẩu DAP thường xuyên trên 900 nghìn tấn, đáp ứng hơn 80% nhu cầu sử dụng trong nước, nguồn cung vượt cầu và thời tiết, giá nông sản diễn biến thất thường…), có thời điểm dừng sản xuất để giảm tồn kho.
Bên cạnh đó, nguyên nhân lỗ cũng xuất phát từ những yếu tố như: chi phí nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng hơn 25% so với tính toán; sản xuất thấp tải, quặng apatit có hàm lượng chất rắn tăng và công tác sửa chữa thiết bị chưa triệt để do tài chính khó khăn... nhiều thời điểm thiết bị vận hành chưa ổn định làm tăng định mức tiêu hao và chi phí chung.
Cùng với đó, theo lãnh đạo Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem, thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, những đề xuất của lãnh đạo Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem mới chỉ là những giải pháp mang tính giải quyết tình thế chứ chưa đi vào bản chất vấn đề. Chủ tịch cũng chỉ ra những thiếu sót của Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem mang tính thời điểm khi tính toán sai nhu cầu của thị trường, giá cả nguyên liệu, vật tư đầu vào.
“Những đề xuất về ưu đãi giá là đi ngược với quy luật của thị trường; trong tương lai, những hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp khác thuộc Ủy ban cũng cần tính toán tới yếu tố kể trên”, ông Hoàng Anh cho biết.
Theo báo cáo tháng 9, ước thực hiện tháng 9 và lũy kế 9 tháng năm 2019 được Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) gửi Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Vinachem ước đạt tổng doanh thu 34.234 tỷ đồng, hoàn thành 69% kế hoạch cả năm (49.812 tỷ đồng).
Cùng với Công ty Cổ phần DAP-Vinachem, Công ty Cổ phần DAP số 2-Vinachem cũng được xếp vào danh sách yếu kém đều với doanh thu giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước tình hình không mấy cải thiện của các dự án thua lỗ nghìn tỷ, Vinachem đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các giải pháp đối với khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho các dự án: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai.
Cụ thể, kéo dài thời hạn vay của các Hợp đồng tín dụng thành 20 năm; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; không tính lãi quá hạn; cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ số dư nợ vốn trung, dài hạn của các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án; lãi vay chưa trả được cân đối trả nợ vào các năm sau.
Ngoài ra, điều chỉnh lãi suất tiền vay trong 5 năm từ 2019 đến 2023 ở mức 3%/năm. Từ năm 2024 trở đi, các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước (tại thời điểm này là 8,55%/năm) và nợ lãi chưa trả được trả dần trong các năm tiếp theo.
Với khoản vay các ngân hàng thương mại, Vinachem đề nghị các ngân hàng Vietinbank, BIDV, Vietcombank cho phép các dự án: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; tiếp tục xem xét, giải quyết cho các đơn vị được hưởng chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất tiền vay về mức lãi suất ưu đãi nhất, lãi suất thấp nhất.
Một vấn đề khác với DAP số 2-Vinachem và dự án đạm Ninh Bình, dự án mở rộng sản xuất đạm Hà Bắc là vướng mắc tranh chấp hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công trong hợp đồng tổng thầu (EPC) chưa được giải quyết. Theo đó, Vinachem đã chuẩn bị hồ sơ pháp lý, khi được Chính phủ đồng ý sẽ khởi kiện tổng thầu ra tòa hoặc đưa ra Trung tâm Trọng tài quốc tế phân xử.
Phương Dung