Tổng nợ phải trả trên 8.300 tỷ đồng
Trong một văn bản do Nguyễn Thị Như Loan ký gửi các cơ quan báo chí gần đây, Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG) cho biết, tính đến 30/9/2018, tổng dư nợ phải trả của công ty này là 8.379 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chưa thực hiện (thu tiền bán bất động sản nhưng chưa bàn giao nhà) là 1.078 tỷ đồng.
Khoản phải trả cho ngân hàng chiếm 610 tỷ đồng; phải trả cho bên thứ 3 là 4.222 tỷ đồng; phải trả bên liên quan là 2.271 tỷ đồng; phải trả cho nhà cung cấp là 80 tỷ đồng và phải trả khác 118 tỷ đồng.
Để làm rõ về “ma trận khối nợ nghìn tỷ” đang khiến dư luận băn khoăn, lãnh đạo QCG đã giải thích: Số tiền 1.078 tỷ đồng ở khoản mục phải thu chưa thực hiện là khoản tiền QCG thu của khách hàng mua nhà thanh toán theo tiến độ. Khi chưa bàn giao nhà công ty sẽ hạch toán vào khoản phải trả. Đến quý IV/2018, số này sẽ tăng, cho đến khi QCG ban giao nhà cho khách thì số tiền này sẽ được hạch toán vào doanh thu và ghi nhận lãi, lỗ.
Đối với khoản phải trả cho bên liên quan 2.271 tỷ đồng, đây là các khoản mượn từ các bên có liên quan (công ty con, công ty liên kết...). Theo báo cáo tài chính quý III/2018, tổng vốn góp của QCG đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết là 2.261 tỷ đồng.
Bà Như Loan thừa nhận việc không diễn đạt chi tiết về các giao dịch trong phần thuyết minh BCTC đã dẫn đến những thắc mắc, hiểu nhầm
Lòng vòng các giao dịch chuyển nhượng vốn góp tại Công ty CP Giai Việt
Chủ tịch QCG cũng tóm tắt lại quá trình sở hữu của QCG tại Công ty CP Giai Việt, tuy nhiên, nguyên các sự kiện được “tóm gọn” lại cũng dài tới cả trang A4.
Cụ thể, tháng 1/2007, QCG nhận chuyển nhượng 49% vốn góp Công ty CP Giai Việt với giá trị 133,5 tỷ đồng, 100% vốn điều lệ của Giai Việt khi đó là 24 tỷ đồng.
Cuối năm 2007, QCG chuyển nhượng 20% vốn góp Giai Việt với giá 249,3 tỷ đồng, thu về lợi nhuận 194,5 tỷ đồng. Tại thời điểm này, Giai Việt sở hữu 42,268 m2 đất ở lâu dài với quy hoạch gồm 6 block chung cư 30-31 tầng và 1 khối trung tâm thương mại 27 tầng.
Năm 2009, QCG nhận chuyển nhượng 20% vốn góp Công ty Giai Việt với nguyên giá trị 249,3 tỷ đồng, tăng tỷ lệ sở hữu từ 29% lên 49%, dẫn đến tổng giá trị đầu tư của QCG tại Giai Việt tăng lên 328,2 tỷ đồng, có thể hiểu tương đương định giá công ty là 657,7 tỷ đồng.
Đến năm 2014, Giai Việt sau khi bàn giao 6 block chung cư tại dự án Giai Việt chỉ còn sở hữu 1 khu đất thương mại dịch vụ với diện tích là 9.216 m2 và thời gian sử dụng đất còn lại là 46 năm. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục quản lý đất đai đã có văn bản đề nghị Giai Việt phải khẩn trương xây dựng, nếu chậm sẽ bị thu hồi và chỉ được gia hạn 24 tháng.
QCG và Công ty Đại Lộc Hưng Thịnh (cổ đông khác của Giai Việt) đã xác định giá trị lô đất nhỏ, trong khi tiền xây dựng khối trung tâm thương mại quá lớn và có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng thì không hiệu quả.
Trong lúc đàm phán với Đại Lộc Hưng Thịnh để mua 50% vốn góp Giai Việt, QCG phải bán cho công ty Sông Mã 49% với giá 70 tỷ đồng để chủ động nguồn vốn mua 50% của Đại Lộc Hưng Thịnh. Lý do QCG mua 50% của Đại Lộc Hưng Thịnh 75 tỷ đồng vì đơn vị này có sở hữu thêm 11.200 m2 diện tích tầng hầm 2 đã được xây dựng hoàn tất.
Năm 2016, QCG tính được hiệu quả của dự án khi Giai Việt đã xin điều chỉnh được hơn 55% diện tích sử dụng là căn hộ ở.
Cũng theo bà Loan, QCG đã đàm phán mua lại 99,8% vốn điều lệ Công ty Sông Mã với giá 333 tỷ đồng trong năm 2017. Trong đó, Công ty Sông Mã sở hữu 48,9% vốn điều lệ Giai Việt và quỹ đất gần 5 ha tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè để phục vụ cho tái định cư dự án Phước Kiển 91 ha.
Như vậy, trong khoảng thời gian từ lúc QCG bắt đầu sở hữu 49% vốn góp Giai Việt vào năm 2007 đến năm 2014, việc mua bán vốn góp của Giai Việt dẫn đến lợi nhuận QCG giảm 63,6 tỷ đồng (lãi 194 tỷ đồng năm 2007 từ việc chuyển nhượng 20% vốn và lỗ 258 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 49% vốn góp của năm 2014) vì lúc này Giai Việt đã bán và bàn giao hết 6 block căn hộ, chỉ còn sở hữu lô đất thương mại 9.216 m2.
Tại văn bản này, bà Loan cho rằng, điều quan trọng là hiện nay, QCG đang sở hữu 98,9% vốn góp Giai Việt và dự án khối trung tâm thương mại kết hợp căn hộ ở Giai Việt đang triển khai hiệu quả. Do các công trình này đang xây dựng và chưa bàn giao nên công ty chưa hạch toán doanh thu, lãi/lỗ.
Bán cổ phần để trả nợ
Liên quan đến giao dịch QCG bán 65,21% cổ phần tại Công ty Quốc Cường Liên Á tại thời điểm tháng 6/2016 được bà Loan lý giải là để thu xếp nguồn tài chính trả nợ cho các khoản vay tại các ngân hàng đến hạn gần 800 tỷ đồng.
Về chuyển nhượng cổ phần tại công ty Phú Việt Tín, bà Loan cho biết thêm: Năm 2014, QCG đã bán 49% tỷ lệ vốn góp Giai Việt và lỗ 258 tỷ đồng, với hiện trạng Giai Việt đã bán 6 block chung cư và chỉ còn sở hữu 1 lô đất thương mại. Cùng thời điểm này, QCG mua và bán cổ phần Công ty Phú Việt Tín thì khoản lãi từ hoạt động tài chính này được bù trừ với khoản lỗ trên.
Liên quan đến Công ty Thủy Điện Quốc Cường, theo công bố của QCG, năm 2014 công ty nhận chuyển nhượng vốn góp của Thủy điện Quốc Cường là 99 tỷ đồng, tương ứng 90% vốn điều lệ. Tuy nhiên, vấn đề này đã bị hiểu nhầm là QCG đầu tư lại vào Công ty Nhà Quốc Cường sau khi đã bán toàn bộ cổ phần của công ty này 1 năm trước đó.
Tuy nhiên, người đứng đầu QCG cũng nhìn nhận, các nội dung thuyết minh trên báo cáo tài chính không diễn đạt chi tiết quá trình, nguyên nhân, thực trạng liên quan đến các giao dịch, hoạt động kinh doanh của QCG nên đã không tránh khỏi việc đặt ra các câu hỏi các giao dịch, tình hình hoạt động kinh doanh, ghi nhận doanh thu, chi phí tại Quốc Cường Gia Lai đã hợp lý? Và các giá trị định giá khi chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng có phù hợp?..
Theo khẳng định của bà Loan, công ty này đã hạch toán và ghi nhận doanh thu/chi phí căn cứ vào các quy định hiện hành về chế độ kế toán và thuế, đồng thời đã được E&Y và PwC kiểm toán.
Mai Chi