Fica
  1. Doanh nghiệp

Lùm xùm vụ nước sạch sông Đuống giá đắt đỏ: Nhiều vấn đề cần làm rõ

Nguyễn Mạnh
Nguyễn Mạnh

Vừa qua, thông tin Hà Nội chấp thuận tạm tính giá cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống cao hơn cả giá nước sạch bán lẻ cho người dân và cao gấp đôi các công ty cấp nước khác thu hút sự quan tâm lớn từ phía dư luận.

Nhà máy nước sạch sông Đuống.

Làm rõ việc nhà máy nước sông Đuống được tăng giá theo lộ trình 7%
 
Vừa qua, thông tin Hà Nội chấp thuận tạm tính giá cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống cao hơn cả giá nước sạch bán lẻ cho người dân và cao gấp đôi các công ty cấp nước khác thu hút sự quan tâm lớn từ phía dư luận.
 
Trao đổi với Dân trí, GS.TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng chính quyền Hà Nội cần phải làm rõ việc có “ưu ái” cho nhà máy nước sông Đuống hay không, bởi biết đắt vẫn mua.
 
 “Cần minh bạch để lấy lại lòng tin của người dân. Quan trọng nhất là người dân phải được biết có những gì trong giá nước. Bởi nếu không kiểm soát được vấn đề giá cả thì nguy cơ độc quyền nhà nước sẽ biến thành độc quyền tư nhân rất lớn”, ông Lược nói.
 
Cũng theo vị này, để công bằng, cũng cần có đoàn kiểm tra giám sát để kiểm tra giá thành thực là bai nhiêu. Ông Lược cho rằng, với loại hình dịch vụ công được xã hội hoá như nước sạch, đáng lẽ phải rà soát, quản lý chặt chẽ ngay từ khâu đầu khi triển khai quy hoạch, thẩm định dự án tới khâu cuối là chất lượng sản phẩm, giá thành dịch vụ...
 
Ông Lược cũng đề nghị làm rõ lộ trình tăng 7% giá nước hàng năm của nhà máy sông Đuống. “Có được phép như vậy không? Hay cứ bắt dân theo là dân phải theo?”, ông Lược nói.
 
Về ý kiến cho rằng dự án sông Đuống do tư nhân đầu tư, quản lý và sử dụng, nên thuộc tài sản tư nhân và không thuộc diện Kiểm toán Nhà nước “vào cuộc”, ông Lược cho rằng: Cũng nên làm rõ vấn đề này, vì dự án tư nhân nhưng lại phục vụ mặt hàng thiết yếu, lợi ích công cộng, thậm chí có tính chất độc quyền trong phân phối.
 
Một chuyên gia khác cũng đặt vấn đề: Giá nước được tính dựa trên giá thành hàng năm. Một nhà máy nước thường được thiết kế với công suất dự phòng tăng trưởng. Khi đi vào vận hành năm đầu tiên, nó sẽ sản xuất dưới công suất thiết kế. Các năm tiếp theo, cùng với đà tăng dân số, sản lượng nước sẽ tăng theo.
 
“Như vậy, nếu đúng theo nguyên tắc giá bàn dựa trên giá thành thì sẽ thấy, những năm đầu có chi phí cao, sản lượng thấp thì đương nhiên giá thành sẽ rất cao. Những năm tiếp theo đó thì chi phí giảm dần, sản lượng tăng dần thì giá thành sẽ giảm”, vị chuyên này phân tích. Theo đó, việc đưa ra lộ trình tăng giá hàng năm như trường hợp của nhà máy sông Đuống cũng cần được làm rõ.
 
Chưa nghiệm thu đã vội bán nước, chất lượng kiểm soát ra sao?

 
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho rằng, đối với công trình nhà máy nước sạch thuộc công trình xây dựng liên quan đến sự an toàn người dân nên cần phải rất khắt khe trong nghiệm thu, đánh giá. Cần phải kiểm tra, đánh giá rất cẩn thận sản phẩm cuối cùng mới có thể đưa vào sử dụng.
 
Theo quy định, công trình cấp 1 trở lên do Bộ Xây dựng thẩm quyền về chất lượng công trình; kiểm tra về công tác nghiệm thu của chủ đầu tư và đánh giá kết quả nghiệm thu. Việc nghiệm thu sẽ kiểm tra về kết quả xây dựng có đạt yêu cầu không, công nghệ có đạt yêu cầu không, đã có nghiệm thu về chất lượng nguồn nước chưa…
 
Trên cơ sở xem xét tất cả đã đủ điều kiện rồi thì Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) sẽ ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư về công trình này và công trình mới đủ điều kiện để đưa vào khai thác.
 
Theo ông Chủng, chủ đầu tư có thể đã nghiệm thu. Nhưng Luật xây dựng quy định, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành mà trực tiếp là Cục giám định phải kiểm tra kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. Một khi Cục có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư thì công trình mới được phép đưa vào sử dụng.
 
 “Việc công trình chưa được chấp nhận nghiệm thu mà đã đưa vào sử dụng là vi phạm. Một nhà máy nước lớn như nhà máy sông Đuống chưa được nghiệm thu đã cung cấp bán nước cho dân thì không được, là không ổn”, ông Chủng nói.
 
Trong khi đó, liên hệ với đại diện nhà máy nước sông Đuống, Công ty này cho biết: Trong quá trình thực hiện dự án, NM NM Sông Đuống luôn rất phối hợp với các cơ quan chức năng nói chung và Cục Giám định nói riêng để cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu để kiểm tra tiến độ và chất lượng nghiệm thu dự án.
 
Liên quan đến một số tồn tại theo văn bản số 447/GĐ – GĐ3 ngày 30 tháng 08 năm 2019 của Cục Giám Định, Công ty này cho biết đã trực tiếp cung cấp bổ sung tới Cục Giám Định:  Thiết kế các tuyến qua đường sắt, quốc lộ; Thí nghiệm các chỉ tiêu ống trước khi thi công; Các biên bản thử áp trong quá trình thi công.
 
Trong quá trình xây dựng và vận hành, đại diện nhà máy Nước mặt Sông Đuống cho biết, họ chịu trách nhiệm về chất lượng nước cấp cho người dân cũng như chất lượng tuyến ống truyền tải.
 
“Là doanh nghiệp đầu tư bằng vốn tự thân, hơn ai hết chúng tôi luôn đặt chất lượng của dự án, của sản phẩm lên hàng đầu vì nếu chất lượng không bảo đảm sẽ ảnh hưởng ngay đến vấn đề tài chính của công ty”, đại diện Công ty này cho biết.

Nguyễn Khánh