Lập hãng bay bất chấp đại dịch
Mới đây, Công ty cổ phần IPP Air Cargo mà ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Chủ tịch Hội đồng quản trị đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không chở hàng. Đây là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) có trụ sở tại TPHCM, tập đoàn kinh doanh bán lẻ và chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế tại Việt Nam.
Theo hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án hàng không của ông "vua hàng hiệu" có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn hy vọng được phê duyệt dự án đầu tư và nhận giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào quý III năm nay; lấy chứng chỉ nhà khai thác tàu bay vào quý IV và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào quý II/2022.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã nộp hồ sơ xin thành lập hãng hàng không chở hàng (Ảnh: IPP Group).
Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu Covid-19 hoành hành khiến ngành hàng không "lao dốc", việc ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn lập hãng bay đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Bằng chứng là con số Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) đưa ra cho thấy năm 2020 vận tải hàng không thế giới thiệt hại gần 118,5 tỷ USD, ước tính năm nay sản lượng hành khách sẽ chỉ đạt 33% so với năm 2019 và tổng mức lỗ là 95 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2022 các hãng hàng không mới hết lỗ.
Ở Việt Nam, năm 2020, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không chỉ 66 triệu lượt và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 43,4% về hành khách và 15,6% về hàng hóa so với năm 2019. Năm nay, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu, lỗ trên 15.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng bối cảnh khó khăn nói trên chưa hẳn là đường cùng, bởi diễn biến thị trường có đã những thay đổi và từng phân khúc lại có lối đi riêng. Trên thực tế, thời gian qua khi Covid-19 lây lan khiến khách đi máy bay sụt giảm mạnh, máy bay phải "nằm đất" chiếm số lượng lớn, các hãng đã "bẻ lái" chuyển sang chở hàng hóa trên khoang khách ở trong nước và đi quốc tế.
Đại diện Vietnam Airlines cho hay: "Khách đi máy bay giảm mạnh nhưng nhu cầu vận chuyển hàng hóa lại tăng. Vì vậy, việc hãng chuyển hướng chở hàng nhằm tối ưu hóa khai thác đội tàu bay sẵn có; đây là giải pháp hiệu quả, đóng góp một phần doanh thu cho hoạt động sản xuất kinh doanh".
Với dự án hàng không của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, trong giai đoạn này, sự ra đời của một hãng bay non trẻ chắc chắn sẽ rất nhiều khó khăn, nhưng cơ hội và "đất diễn" không phải là không có. Đặc biệt, ông chủ của hãng bay chở hàng đang là "cha đẻ" của tập đoàn kinh doanh bán lẻ hàng hiệu quốc tế lớn nhất tại Việt Nam.
Cơ hội đi sau đón đầu?
IPP Air Cargo đăng ký giấy phép kinh doanh với ngành nghề chính là vận tải hàng hóa hàng không. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đặt ra tham vọng, nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, hãng sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ ba.
Mục tiêu thành lập hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn không phải để chở khách thương mại mà là chở hàng - phân khúc vận tải có tiềm năng lớn và không nhiều đối thủ trong nước để cạnh tranh thị phần. Đây có được cho là bước đi khác biệt của "vua hàng hiệu" so với ông chủ của các hãng bay trước đó?
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện nay ở Việt Nam chưa có hãng hàng không chuyên biệt về chở hàng hóa, các hãng đang hoạt động đều tập trung cho vận tải hành khách. Trong khi đó, hầu hết thị phần vận tải hàng hóa qua đường hàng không quốc tế của Việt Nam đang do hãng nước ngoài khai thác, vì vậy, nếu Việt Nam có một hãng bay chở hàng thì cũng hợp lí.
Covid-19 khiến thị trường vận tải hành khách sụt giảm mạnh, hãng hàng không đã "bẻ lái" sang chở hàng trên khoang khách để tăng doanh thu.
Một chuyên gia về vận tải hàng không phân tích: "Trên thế giới hãng bay chở hàng rất phổ biến. Ở Việt Nam, cả 6 hãng hãng không đang hoạt động là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines đều đặt mục tiêu chở khách thương mại để kiếm lợi nhuận là số một.
Các hãng hàng không Việt đang khai thác song song giữa chở khách và chở hàng, nhưng thực tế việc chở hàng hóa vốn không phải ưu tiên hàng đầu. Hoạt động này chỉ được đẩy mạnh khi bùng phát dịch Covid-19 để tận dụng nguồn lực có sẵn, đặc biệt là đội tàu bay "nhàn rỗi" khi không thể kiếm tiền từ vận tải hành khách. Bởi vậy, việc lập một hãng hàng không chở hàng lúc này là khôn ngoan và cửa đi rất sáng".
Theo vị chuyên gia, để khai thác chở hàng hóa bằng đường hàng không, khó khăn lớn nhất với các hãng là việc thu nhận, tìm nguồn hàng ở hai đầu sân bay đi và đến. Cùng đó, phải đảm bảo tỷ lệ lấp đầy hàng hóa ở cả 2 chiều, chứ không thể chỉ chiều đi có hàng còn chiều về bay rỗng.
"Chi phí vận tải bằng đường hàng không rất đắt đỏ, chỉ vận chuyển những mặt hàng có giá trị cao, thời gian bảo quản ngắn mới lựa chọn đi máy bay" - vị chuyên gia nói và cho rằng chủ yếu là thiết bị công nghệ, bưu kiện, hàng chuyển phát nhanh hay nông sản có giá trị xuất khẩu như vải, xoài, thanh long…
Kinh doanh hàng không được giới phân tích nhấn mạnh đó là cuộc đua "đốt tiền", nếu thuận lợi cũng phải mất vài năm thì mới hòa vốn và tiến tới có lãi. Tại Việt Nam, từng có hãng bay chở hàng thất bại ngay khi chưa cất cánh, đó là Trai Thien Air Cargo. Năm 2008, hãng này xin cấp phép thành lập với vốn điều lệ 500 tỷ đồng nhưng bị "khai tử" sau 3 năm vì khó khăn tài chính nên không thể hoạt động.
Châu Như Quỳnh