Vì sao doanh nghiệp thờ ơ?
“Nhiều doanh nghiệp chưa biết gì về EVFTA”, “Doanh nghiệp thờ ơ với FTA"... là những thông tin được đưa trên nhiều mặt báo thời gian qua.
1% tỷ lệ doanh nghiệp có hiểu biết sâu về FTA hay 70% doanh nghiệp chưa biết đến CPTPP… là những con số khiến nhiều người không khỏi “giật mình" bởi các hiệp định này vốn được kỳ vọng là “cánh cửa” dẫn doanh nghiệp ra với thế giới, giúp nền kinh tế vững mạnh, phát triển hơn.
Không phải tất cả các doanh nghiệp đều thờ ơ hoặc không nắm được về các FTA. Cũng có nhiều doanh nghiệp đã âm thầm nghiên cứu, theo dõi, thuê chuyên gia, luật sư tìm hiểu về các hiệp định này cũng như chuẩn bị các yếu tố cần thiết. Ảnh: N.Mạnh
Để có khảo sát thực tế về những con số này, phóng viên Dân trí đã trao đổi với một số doanh nghiệp. Quá nửa trong số này cho biết họ không quan tâm và cũng chưa tìm hiểu đến những FTA.
“Tôi là doanh nghiệp dệt may nhưng chỉ phục vụ thị trường nội địa. Tôi chưa có ý định sẽ tìm kiếm cơ hội khi xuất khẩu nên thực sự khi nghe EVFTA tôi không quan tâm lắm”, vị giám đốc giải thích với phóng viên.
Nói với Dân trí, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam - cho biết: Thực tế đúng có nhiều doanh nghiệp không biết nhiều về FTA và nhiều lúc bỏ qua cơ hội.
Tuy nhiên theo quan điểm của ông Bình, doanh nghiệp còn quá nhiều mối lo lắng, bận tâm khác, chẳng hạn như trong bối cảnh đại dịch phức tạp như hiện nay nên quả thực nếu chưa phải “sát sườn", nhiều doanh nghiệp sẽ không để ý chứ đừng nói đến nghiên cứu chuyên sâu.
Bàn về việc tận dụng các FTA thời gian qua, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng nhận thấy có “độ trễ” và chưa được như kỳ vọng.
Nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng việc doanh nghiệp "thờ ơ" với các FTA nhưng theo ông Nam, doanh nghiệp có những khó khăn như dù quan tâm mà không có nguồn lực.
Ông Nam cũng nhấn mạnh, mỗi doanh nghiệp cũng chỉ quan tâm cái mình đang làm thôi, không thể biết được hết. Ông ví dụ như doanh nghiệp dệt may chỉ quan tâm dệt may thôi, còn doanh nghiệp thuỷ sản thì chỉ quan tâm các vấn đề liên quan tới thuỷ sản, chứ không thể biết được quá nhiều.
Nói với Dân trí, một đại diện VCCI cũng cho biết, thực tế có những ông chủ doanh nghiệp không hiểu gì về FTA nhưng ban pháp chế của họ nắm hết, nắm rất sâu. “Chúng ta cũng phải chấp nhận một thực tế con người chỉ quan tâm đến những cái họ cần thôi, đâu thể cái gì cũng biết được, ở các quốc gia khác cũng vậy đâu chỉ Việt Nam”, vị này chia sẻ.
Tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI tiết lộ, thực tế Việt Nam là quốc gia dành nhiều tâm huyết cho EVFTA với lượng tìm kiếm, truyền thông tần suất nhiều.
Theo nhận xét của ông Lộc, việc triển khai các FTA thời gian qua cho thấy dù thông tin nhiều, tràn ngập, hội thảo, hội nghị cũng lắm nhưng các cuộc sát hơn với từng ngành hàng thì vẫn còn hạn chế.
Cần bám sát, cụ thể hơn, tránh chuyện dàn trải
Bàn về thực hiện các FTA, ông Nguyễn Thành Hưng - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam nhận xét, về truyền thông chúng ta đã làm khá tốt. Tuy nhiên theo nhận xét của ông Hưng, mới chủ yếu theo “bề rộng”.
“Mỗi một doanh nghiệp người ta chỉ quan tâm đến vấn đề rất hẹp thôi. Chúng ta nên đi theo chiều sâu. Phổ biến tuyên truyền nghe nó không đúng, chính xác là phải tập huấn, đối thoại, toạ đàm. Chúng ta phải đi sâu từng ngành hàng, từng doanh nghiệp”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, gặp mặt trực tiếp rất quan trọng nhưng khai thác cách truyền thống số cũng đem lại hiệu quả rất cao.
Dường như điều này đã được các cơ quan quản lý, chính quyền nhận ra. Bởi vậy khi tiến hành tổ chức tuyên truyền thông tin thời gian gần đây, nhiều cơ quan đã đi theo hướng "sát sườn" với nhu cầu tìm hiểu của doanh nghiệp.
Khi đưa ra kế hoạch thực hiện hiệp định EVFTA, một lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, bài học kinh nghiệm của thành phố là không dàn trải, chỉ tập trung vào các vấn đề doanh nghiệp cần. Chúng ta cần lắng nghe doanh nghiệp để điều chỉnh nội dung và cách thức tập huấn truyền thống.
Vị này lấy ví dụ, ngày 2/7/2020, Sở Công Thương và Cục Xuất nhập khẩu tổ chức giới thiệu Thông tư 11 về quy tắc xuất xứ hàng hoá trong EVFTA thu hút rất đông doanh nghiệp tham gia.
“Chỉ mời 100-120 doanh nghiệp nhưng thực tế có 200 doanh nghiệp đến dự. Điều này có được là nhờ làm theo cách hướng dẫn thực hành khai báo C/O, giải đáp vướng mắc cụ thể cho doanh nghiệp", vị này cho biết từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND TP tổ chức 3-4 lớp tập huấn tương tự.
Không chỉ với doanh nghiệp, lãnh đạo UBND TP.HCM cũng cho biết sẽ tập huấn về hiệp định cho công chức theo từng nhóm, việc này nhằm bám sát các công việc cụ thể, để hỗ trợ thiết thực hơn cho doanh nghiệp.
Ví dụ như công chức hải quan cần tập huấn chuyên sâu về quy trình, thủ tục các loại thuế suất ưu đãi. Công chức ngành công thương thì cần nắm chắc về xúc tiến xuất khẩu nông sản...
Nguyễn Mạnh