Fica
  1. Doanh nghiệp

Kiến nghị cấm kinh doanh đòi nợ thuê có khả thi?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Với lý do hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê gây mất an ninh trật tự, đòi nợ thuê không cần thiết vì các quan hệ dân sự đã có tòa án giải quyết, TP.HCM kiến nghị cấm kinh doanh đòi nợ thuê.

Đòi nợ thuê được hoạt động theo quy định của pháp luật, sao lại cấm?

Kiến nghị trên của TP.HCM liệu có khả thi khi các doanh nghiệp kinh doanh loại hình đòi nợ thuê này có giấy phép hoạt theo quy định. Luật pháp cũng không cấm việc thuê người khác (dịch vụ) để thực hiện việc thu hồi nợ, khi thực hiện đúng pháp luật.

Về vấn đề này UBND TP.HCM cho biết lý do đưa ra kiến nghị trên là vì "vay nợ" là quan hệ dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tham gia thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như tòa án, VKS, thi hành án...

Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại… sẽ có thẩm quyền thi hành. Do đó, không cần thiết phải có thêm hoạt động đòi nợ thuê.

Hiện nay theo thống kê của UBND TP.HCM, đến cuối năm 2017, trên địa bàn thành phố đã có 65 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để hoạt động ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Tuy nhiên, chỉ có 44 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục và được cơ quan công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Ngoài ra, có đến 21 doanh nghiệp hoạt động “chui”, tức chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo Nghị định số 96/2016/NĐ-CP. Qua xác minh thực tế, những cơ sở này không trưng bảng hiệu kinh doanh và không hoạt động tại địa điểm đã đăng ký kinh doanh.

Được biết hiện trên địa bàn TP có 28 công ty, đơn vị kinh doanh dich vụ đòi nợ đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và 21 doanh nghiệp chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. 

Qua tổ chức kiểm tra 28 lượt doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã phát hiện 17 trường hợp chưa xuất trình được các hồ sơ, tài liệu chứng minh việc đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động; 8 trường hợp chưa xuất trình được hồ sơ, tài liệu về báo cáo tài chính, quyết toán thuế, kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp; 1 trường hợp chưa có biên bản họp đại hội đồng cổ đông thường niên.

Liên quan đến kiến nghị của TP.HCM về việc cấm kinh doanh đòi nợ thuê, LS Trần Khánh Ly, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng dịch vụ đòi nợ là nhu cầu tất yếu của xã hội phát sinh trong quan hệ dân sự vay nợ - trả nợ. “Cấm không cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ là bước đi thụt lùi trong công tác quản lý. Điều chắc chắn rằng có cấm thì việc đòi nợ vẫn tồn tại và mọi người sẽ lấy tư cách đại diện cá nhân để đi đòi, lúc đó nhà nước sẽ khó quản lý hơn”, bà Ly nói và cho rằng nên quản theo hướng: vì đòi nợ thuê là dịch vụ kinh doanh có điều kiện nên nhà nước có quyền xây dựng các quy định và chế tài theo hướng thật chặt chẽ, thậm chí khắt khe, nhằm quản lý tốt vấn đề về an ninh trật tự và bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân.

Có thể bạn quan tâm

Cũng liên quan đến kiến nghị này Luật sư Nguyễn Hải Nam - Văn phòng LS Công Quyền (TP.HCM), cho biết trong trường việc đòi nợ dùng vũ lực, đe dọa khiến con nợ rơi vào tình trạng lo sợ có thể dẫn đến bị giết chết là đã có dấu hiệu của tội “đe dọa giết người” theo điều 133 bộ luật Hình sự. Tùy vào mức độ mà người phạm tội có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 7 năm. Trường hợp gây thương tích cho con nợ, tùy mức độ có thể bị xử lý hành chính, bồi thường dân sự hoặc bị xử lý hình sự theo điều 134 bộ luật Hình sự về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác”. Khi đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù đến 20 năm, tù chung thân.

Ngoài ra, người đi đòi nợ thuê còn có thể bị xử lý hình sự về tội “xâm phạm chỗ ở của người khác” theo điều 158 bộ luật Hình sự nếu tự ý vào nhà của người khác, mức phạt có thể đến 5 năm tù. Trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu dùng vũ lực để tước đoạt tài sản của con nợ thì có thể bị xử lý về tội “cướp tài sản” theo điều 168, tùy mức độ mà người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 năm đến chung thân.

Như vậy về loại hình kinh doanh đòi nợ thuê pháp luật đã có những quy định cụ thể để quản lý đối với loại hình kinh doanh này, an ninh trật tự đối với loại hình kinh doanh này cũng sẽ được đảm bảo nếu cơ quan chức năng thực hiện tốt việc quản lý.

Một số luật sư tại TP.HCM cho rằng trách nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm tra của cơ quan chức năng mới là điều cốt lõi để quản lý được dịch vụ này. Việc không quản lý được thì cấm là không nên.

C. Thương