Fica
  1. Doanh nghiệp

  2. Chuyển động doanh nghiệp

Kiếm 1.700 tỷ đồng từ game online, VNG “đánh quả lớn” vào “ván bài” Ti Ki

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Dù đã mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh, song nguồn thu chính của VNG (tiền thân là Vinagame) vẫn là trò chơi trực tuyến (gameonline). Ti Ki, ván bài thương mại điện tử mà VNG đang dồn hơn 500 tỷ đồng vào đầu tư, cho đến nay vẫn đang sa lầy trong thua lỗ.

Hơn 81% nguồn thu của VNG là đến từ game online (Trong ảnh là ông Lê Hồng Minh - ông chủ VNG)

Hơn 81% nguồn thu của VNG là đến từ game online (Trong ảnh là ông Lê Hồng Minh - ông chủ VNG)

Ông Lê Hồng Minh đã trả hết nợ hơn 250 tỷ đồng

Báo cáo hợp nhất bán niên vừa được Công ty cổ phần VNG công bố cho thấy, ông Lê Hồng Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty này đã hoàn toàn hết nợ nần với VNG.

Cụ thể, đến 30/6/2018, VNG đã thu hồi đủ hơn 252,6 tỷ đồng nợ gốc và lãi vay từ ông Lê Hồng Minh. Trong đó 249,6 tỷ đồng là nợ gốc và gần 24,3 tỷ đồng là lãi vay.

Đây là khoản mà ông Lê Hồng Minh đã vay công ty từ ngày 11/9/2012, không có tài sản thế chấp. Ngày đáo hạn của khoản vay là 8/4/2017 sau đó được dời sang ngày 8/10/2017 trước khi tiếp tục gia hạn đến 7/4/2018.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của VNG đạt 2.065,8 tỷ đồng thì trong đó, doanh thu dịch vụ trò chơi trực tuyến (game online) đã là 1.682,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 81,4% tổng doanh thu.

Dù vậy, nguồn thu từ game online của VNG vẫn bị sụt giảm 5,5% so với cùng kỳ 6 tháng 2017.

Trong loạt doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái VNG, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Truyền thông Thanh Sơn là công ty liên kết. Trong nửa đầu năm nay, VNG đã tăng doanh thu bán thẻ trò chơi trả trước cho doanh nghiệp này lên 391 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ 2017.

Trong khi đó, doanh thu dịch vụ quảng cáo trực tuyến là 313,9 tỷ đồng (tăng 31%), doanh thu cung cấp dịch vụ gía trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet là 32,7 tỷ đồng (tăng 11%) và doanh thu dịch vụ nhạc chờ đạt 16,2 tỷ đồng (tăng gần gấp đôi cùng kỳ).

Bất chấp thua lỗ, rót hơn 500 tỷ đồng vào Ti Ki

Trong nửa đầu năm nay, VNG cũng ghi nhận việc đã rót thêm 121,87 tỷ đồng vào Ti Ki (thông qua việc góp vốn mua cổ phần), nâng tổng mức đầu tư tại đơn vị này lên còn số 506,28 tỷ đồng.

Qua đó, đến cuối quý II vừa rồi, VNG đã nắm giữ 28,88% quyền sở hữu và quyền biểu quyết tương ứng của Ti Ki. Đồng thời, tập đoàn này cũng đã thu hồi gốc vay 21,55 tỷ đồng từ Ti Ki.

Thu về hơn 252,6 tỷ đồng từ ông Lê Hồng Minh thì VNG lại chi tới gần 122 tỷ đồng đầu tư thêm vào Ti Ki (ảnh chụp BCTC)

Thu về hơn 252,6 tỷ đồng từ ông Lê Hồng Minh thì VNG lại chi tới gần 122 tỷ đồng đầu tư thêm vào Ti Ki (ảnh chụp BCTC)

VNG bắt đầu rót vốn vào Ti Ki vào tháng 2/2016, tuy nhiên, sau hơn 2 năm qua, tập đoàn này vẫn chưa thể “hái được quả ngọt”. Theo như số liệu tại thuyết minh báo cáo tài chính thì phần lỗ mà VNG phải “gánh” ở Ti Ki đến 30/6/2018 đã lên tới 321,2 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 102,1 tỷ đồng so với cuối năm 2017.

Như vậy, có thể thấy, VNG vẫn đang rất kỳ vọng vào mối làm ăn này khi mạnh tay rót thêm cả trăm tỷ đồng cho Ti Ki trong khi Ti Ki tiếp tục thua lỗ lớn.

Tổng lỗ của VNG tại các công ty liên kết đến cuối tháng 6 vừa qua là 99,4 tỷ đồng, hơn gấp đôi với cùng thời điểm năm ngoái. Qua đó, kéo mức lãi trước thuế của tập đoàn này nửa đầu năm nay xuống còn hơn 308 tỷ đồng (chỉ bằng chưa tới 43% cùng kỳ), lãi sau thuế hợp nhất 241 tỷ đồng (giảm gần 59% so với cùng kỳ).

Bích Diệp

Tin liên quan