Fica
  1. Doanh nghiệp

Kịch bản cho ngành thép và Hoà Phát năm 2023

Theo CTCK KIS, không có ngoại lệ trong bối cảnh thị trường ảm đạm đối với ngành thép, nhưng Tập đoàn Hòa Phát liệu có yếu tố nào để được hưởng lợi...

Báo cáo nhận định về CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG) của Công ty Chứng khoán KIS ghi nhận, doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn này tiếp tục giảm mạnh  trong quí 4/2022 và nhiều khả năng Tập đoàn không chia cổ tức.

Cụ thể, HPG đã giảm sản lượng sản xuất để giảm tồn kho chi phí cao và chi phí vận hành trong năm 2022. Tập đoàn đã kỳ vọng các lò cao sẽ hoạt động trở lại vào quý 1/2022, tuy nhiên còn phụ thuộc vào mức tiêu thụ sản phẩm thép trong thời gian tới. Theo tính toán, hiện việc chi phí cho việc ngừng hoạt động và vận hành lại lò sẽ vào khoảng 40-50 tỷ đồng/lần và 7 ngày làm việc để hoạt động trở lại.

KIS nhấn mạnh, không có ngoại lệ trong bối cảnh thị trường ảm đạm đối với ngành thép. Đối với HPG, việc giá HRC cải thiện gần đây nhờ tâm lý thị trường tốt hơn từ Trung Quốc có thể hỗ trợ tốt cho kết quả hoạt động của công ty trong năm 2023. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức thấp có thể cải thiện được biên lợi nhuận. 

 

Tuy nhiên trong 9 tháng đầu năm 2022, đồng USD tăng giá đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của HPG do chi phí nguyên vật liệu đầu vào đắt hơn, lỗ tỷ giá  cao hơn đối với cả khoản vay bằng USD và VND. Trong năm 2023, những tác động của nâng tỉ giá và chi phí đầu vào giảm nhiệt nhờ nỗ lực ổn định của NHNN. Nhưng chi phí tài chính sẽ tiếp tục tăng do lãi suất cho vay ở mức cao cho cả 2 khoản vay USD và VND của Tập đoàn.

 HPG sẽ gặp khó khăn trong năm 2023 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và quay trở lại giai đoạn tăng trưởng mạnh từ năm 2024 nhờ nhu cầu phục hồi.  Theo đó KIS điều chỉnh cắt giảm cho năm 2022 là 23,3% về doanh thu và 66,2% về lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ. Lý do chính đằng sau việc giảm dự báo thu nhập là do sản lượng tiêu thụ dự báo giảm đáng kể (12-41%, tùy thuộc vào từng sản phẩm) do nhu cầu và cả thị trường trong nước và xuất khẩu giảm sút.

Không riêng gì HPG mà toàn ngành thép, đây không phải là thời điểm tốt cho ngành công nghiệp toàn cầu, KIS nhận thấy  thấy tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đang dần xuất hiện lên kết quả hoạt động của các doanh nghiệp thép trong năm 2023.

 

 Mặc dù đã nhận thấy một số tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản tại Trung Quốc và chính sách Zero-Covid, nhưng điều này chỉ có thể giải tỏa phần nào lo ngại dư cung từ Trung Quốc, và hỗ trợ giá thép toàn cầu. Theo quan điểm của KIS, ngành thép toàn cầu sẽ không có cải thiện đáng kể nào trong năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Suy thoái toàn cầu cùng với nhu cầu ảm đạm, là kịch bản tồi tệ nhất đối với ngành thép trong năm 2023. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi nhu cầu toàn cầu chững lại.

Bên cạnh đó, sự bất ổn của thị trường bất động sản cũng có thể làm giảm nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm thép. Với hơn 90% lượng tiêu thụ thép trong nước đến từ ngành xây dựng, thị trường nhà ở trì trệ có thể làm giảm nhu cầu trong nước trong năm tới.

Hiện một số thông báo cắt giảm sản xuất đã được công bố kể từ tháng 9 như Tập đoàn thép Pomina thông báo ngừng hoạt động BOF; Thép miền Nam thông báo cắt giảm sản lượng; HPG đã công bố kế hoạch đóng cửa 2 trong số 3 lò cao tại Hải Dương và 2 trong số 4 lò cao tại Dung Quất trong tháng 11 và thêm một lò nữa vào tháng 12/2022 nếu nhu cầu thị trường vẫn chưa cải thiện.

Theo Hà Phương
Diễn Đàn Doanh Nghiệp