Fica
  1. Doanh nghiệp

Khai thác khoáng sản vượt mốc giới, FLC Stone bị phạt 170 triệu đồng

Thảo Thu
Thảo Thu

FLC Stone bị tỉnh Thanh Hóa phạt hành chính do khai thác khoáng sản ra ngoài mốc giới với diện tích xâm hại hơn 9.400 m2.

Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đối với Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản FLC Stone (FLC Stone, mã chứng khoán: AMD), có địa chỉ tại tầng 5, tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, TP Hà Nội.

Cụ thể, trong quá trình khai thác mỏ đá spilit làm vật liệu xây dựng thông thường và đất san lấp ở xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, FLC Stone đã khai thác vượt mốc giới được phép với tổng diện tích 9.411 m2.

Từ những Quy định của Chính phủ và sai phạm được chỉ rõ, UBND tỉnh Thanh Hóa phạt FLC Stone 170 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu FLC Stone phải có biện pháp khắc phục hậu quả như cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các biện pháp để trả lại trạng thái an toàn cho khu vực khai thác vượt mốc…

UBND tỉnh Thanh Hóa còn buộc FLC Stone phải nộp lại số lợi bất hợp pháp theo quy định. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được số lợi bất hợp pháp mà FLC Stone đã thu từ việc khai thác khoáng sản ngoài mốc giới nên giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị liên quan để xác định khối lượng, làm cơ sở thu hồi số lợi bất hợp pháp mà FLC Stone đã hưởng về cho Nhà nước.

Nhà máy của FLC Stone tại tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: AMD).

FLC Stone cũng phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc theo quy định. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do FLC Stone chi trả.

Quyết định đã có hiệu lực từ ngày 01/8. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, công ty phải nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Thanh Hóa.

Nếu quá thời hạn chưa nộp tiền phạt thì công ty sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Theo đó, cứ mỗi ngày chậm nộp phạt sẽ bị tính thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp, theo quy định của Bộ Tài chính.

Tại tỉnh Thanh Hóa, FLC Stone được cấp phép 4 mỏ đá. Các sản phẩm làm từ đá của FLC Stone đã được tập đoàn sử dụng tại nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng và các công trình do tập đoàn này đầu tư.

Về kết quả kinh doanh, tổng doanh thu quý II vừa qua của công ty đạt 34,4 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ. Sự “lao dốc" của doanh thu cùng với chi phí trích lập dự phòng bổ sung cho một số khoản nợ khó đòi khiến công ty lỗ sau thuế 24 tỷ đồng, trái ngược với lợi nhuận 5 tỷ đồng trong quý II/2021.

Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy tổng giá trị gốc các khoản nợ xấu của FLC Stone tại ngày 30/6 là hơn 55 tỷ đồng. Trong đó, giá trị có thể thu hồi là 27,4 tỷ đồng, bằng một nửa giá gốc.

Cổ phiếu AMD của FLC Stone bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) chuyển vào diện cảnh báo do công ty chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định. Mã này kết tuần vừa rồi dừng tại mức 1.970 đồng/cổ phiếu, giảm 82% so với đầu năm.

Mã AMD là một trong những cổ phiếu rẻ nhất sàn chứng khoán hiện tại (Ảnh: FireAnt).

FLC Stone cho biết thời gian qua đã liên hệ và thuyết phục nhiều đơn vị kiểm toán đủ năng lực và chuyên môn để thực hiện báo cáo tài chính soát xét bán niên nhưng các đơn vị kiểm toán đều từ chối hợp tác vì lý do khách quan liên quan đến vụ việc thao túng chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết.

Về hướng giải quyết, FLC Stone cam kết nỗ lực để tìm đơn vị kiểm toán trong thời gian sớm nhất và nhanh chóng công bố thông tin về báo cáo tài chính sau khi hoàn thành.