Những khó khăn Tisco đang gặp phải, ngoài nguyên nhân phải cạnh tranh với các đối thủ do giá thép xuống thấp, phần lớn do mắc kẹt tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên.
Nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản đang hiện hữu
Theo tài liệu được công bố, năm 2019, Gang thép Thái Nguyên (Tisco) đặt kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ đạt 14.219 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 90 tỷ đồng, tiền lương bình quân 8,6 triệu đồng/người/tháng, sản xuất 800.000 tấn thép cán, 420.000 tấn phôi thép và 200.000 tấn gang lò cao.
So với thực hiện 2018, doanh thu kế hoạch 2019 của Tisco tăng 29,7% trong khi lợi nhuận trước thuế gấp 2,5 lần so với con số thực hiện 36 tỷ của năm 2018.
Mặc dù đặt kế hoạch khả quan, song nếu nhìn vào diễn biến lợi nhận giai đoạn 2014 - 2018 của Gang thép Thái Nguyên, có thể thấy doanh nghiệp này đã có nhiều biến động "bất thường" về con số lợi nhuận trước thuế và doanh thu.
Từ mức âm 20 tỷ năm 2014, lợi nhuận của Tisco nhảy lên 207 tỷ vào năm 2016, giảm dần về mức 119 tỷ năm 2017. Đến năm 2018, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn 36 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, doanh thu vẫn tăng trưởng đều qua các năm từ mức 6.861 tỷ năm 2014 lên 10.958 tỷ năm 2018. Đồng thời, lương bình quân 5,71 triêu đồng/người năm 2014 đến năm 2018 con số này là 8,48 triệu đồng/người/tháng.
Kết quả kinh doanh "tuột dốc" một phần đến từ những khó khăn Tisco phải đối mặt trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Báo cáo nêu rõ, trong giai đoạn vừa qua, khâu sản xuất thép cán cả Tisco luôn phải tiết giảm sản xuất để tránh tồn kho và giảm chi phí tài chính, các đơn vị cán thép dừng sản xuất nhiều lần để tập trung sửa chữa thiết bị. Với công suất hiện có Tisco có thể đạt sản lượng 1 triệu tấn/năm nhưng nhìn chung công suất các năm qua đạt khoảng 700-800 nghìn tấn/năm.
Chưa kể, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do ngày càng nhiều dự án thép mới đi vào sản xuất, cạnh tranh khốc liệt trong khi nhu cầu thị trường có hạn.
Theo đánh giá của Gang thép Thái Nguyên, thị trường thép trong nước phải đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ, cùng với sức ép từ nguồn cung dư thừa của sản xuất trong nước khiến cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp sản xuất liên tục giảm giá bán và đẩy mạnh các hình thức chiết khấu để giữ thị phần và duy trì sản xuất.
Cùng với đó, các lợi thế của công ty về khai thác quặng sắt, than mỡ đang giảm dần, dự án giai đoạn 2 chậm tiến độ kéo dài, chi phí tài chính lớn đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty.
Tính tới thời điểm hiện tại, Gang thép Thái Nguyên (Tisco) có tổng cộng 20 dự án được phê duyệt. Trong đó, 7 dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư 462,54 tỷ đồng. Tuy nhiên, có tới 12 dự án dừng không thực hiện do không bố trí được nguồn vốn bao gồm dự án đầu tư khai thác mỏ quặng sắt Hòa Bình – mỏ sắt Trại Cau, dự án thăm dò mỏ quặng sắt Bình Ca – Tuyên Quang, dự án đầu tư xây dựng đập ngăn bùn thải quặng đuôi Mỏ sắt Tiến Bộ, dự án thăm dò mỏ sắt Sùng Đô, Yên Bái, dự án thăm dò mỏ sắt Da Giẽ, Yên Bái….
Điều đáng nói, Tisco đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, mất cân đối tài chính nghiêm trọng.
Tính đến cuối năm 2018, hệ số nợ của Gang thép Thái Nguyên (Tisco) gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 82% tổng tài sản. Trong đó, nợ ngắn hạn của công ty là 2.914 tỷ đồng, tăng hơn 600 tỷ so với năm trước, nợ dài hạn 2.800 tỷ, giảm 462 tỷ.
Tính đến 31.12.2018, vốn chủ sở hữu của Gang thép Thái nguyên là 1.840 tỷ. Tài sản ngắn hạn là 3.424 tỷ trong đó tiền và tương đương tiền chỉ còn 89 tỷ, hàng tồn kho 2.400 tỷ và 775 tỷ phải thu ngắn hạn.
Theo số liệu của Ban kiểm soát, khả năng thanh toán hiện hành của công ty năm 2018 bằng 0,7 lần cho thấy Tisco đang trong tình trạng tài chính đặc biệt khó khăn, có khả năng không hoàn thành các khoản nợ khi đến hạn.
"Nợ phải trả quá nhiều, gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu cho thấy cơ cấu vốn của TISCO không an toàn. Ngoài ra, khả năng thanh toán của công ty hiện là 0,7 lần, doanh nghiệp đang trong tình trạng tài chính "đặc biệt khó khăn, có khả năng không trả được các khoản nợ đến hạn", báo cáo viết.
Ban Kiểm soát cho rằng, công ty cần có giải pháp kịp thời tăng vốn chủ sở hữu, thu hồi nợ xấu. Tới cuối tháng 12/2018, các khoản nợ xấu của công ty gần 852 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi hơn 393,3 tỷ.
Nỗi đau “mang tên” Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2
Những khó khăn Tisco đang gặp phải, ngoài nguyên nhân phải cạnh tranh với các đối thủ do giá thép xuống thấp, phần lớn do mắc kẹt tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên.
Báo cáo của Gang thép Thái Nguyên (Tisco) nêu rõ, năm 2015 doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) 1.000 tỷ đồng, nhằm thanh toán cho các hạng mục đầu tư của dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên.
Một góc Nhà máy Gang thép Thái Nguyên
Nhưng 2 năm sau, SCIC đã rút 1.000 tỷ đồng này (khoảng 100 triệu cổ phần) theo chỉ đạo của Thủ tướng, khiến quy mô vốn điều lệ của Tisco xuống còn 1.840 tỷ đồng, các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp cũng xấu đi.
Mặt khác, hiện tại dự án chưa có hướng giải quyết nên các ngân hàng đã giảm hạn mức cho vay, đồng thời đồng loạt tăng lãi suất lên 8%/năm làm cho Tisco khó khăn trong cân đối dòng tiền phục vụ sản xuất, chi phí tài chính cao.
Cũng theo báo cáo, dự án mở rộng giai đoạn 2 của Gang thép Thái Nguyên có tổng chi phí đầu tư theo dự toán ban đầu là 3.843 tỷ, dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt là 8.104 tỷ. Dự án được triển khai từ năm 2007 nhưng đến thời điểm hiện tại các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của dự án tới thời điểm 31.12.2018 là 5.093 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.888 tỷ đồng.
Năm 2015 dự án này bị đưa vào danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ và Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm trong kết luận mới công bố.
"Nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản đang hiện hữu tại doanh nghiệp nếu không được Chính phủ, các ngân hàng và cấp có thẩm quyền giải cứu kịp thời", báo cáo của Hội đồng quản trị Tisco nêu.
Liên quan đến dự án này, đầu tháng 3 vừa qua, cơ quan thanh tra Chính phủ công bố kết luật về dự án mở rộng giai đoạn 2 Tổng công ty Gang thép Thái Nguyên, yêu cầu Tisco rà soát lại toàn bộ hợp đồng đã ký với tổng thầu là Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC).
Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, sai phạm nêu tại Kết luận thanh tra.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xem xét, điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự.
Còn theo chỉ đạo mới đây của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng yêu cầu, sớm bàn giao Tổng công ty Thép từ Bộ Công Thương về SCIC, để thực hiện xử lý dứt điểm hợp đồng EPC và khoản giải chấp bảo lãnh còn vướng mắc để sớm tiến hành cổ phần hóa.
Theo Huyền Anh
Dân Việt