Fica
  1. Doanh nghiệp

Jack Ma mất 12 tỷ USD sau hai tháng khi bị giám sát kinh doanh

Tài sản ròng của tỷ phú Jack Ma đã giảm 12 tỷ USD so với thời điểm cuối tháng 10/2020 khi Trung Quốc tăng cường giám sát đế chế kinh doanh của ông và những "ông lớn" công nghệ.

Jack Ma mất 12 tỷ USD sau hai tháng khi bị giám sát kinh doanh - 1

Kể từ khi bị giám sát, tài sản của Jack Ma đã bốc hơi mạnh, kéo vị trí của ông xuống thứ 25 trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới (Ảnh: Bloomberg)

Tài sản ròng của cựu giáo viên tiếng Anh 56 tuổi - thường gắn liền với sự nổi lên như vũ bão của lĩnh vực internet Trung Quốc - đã đạt mức cao nhất 61,7 tỷ USD trong năm nay và dường như đã sẵn sàng giành lại ngôi vị người giàu nhất châu Á.

Tuy nhiên kể từ khi bị giám sát, tài sản của Jack Ma đã bốc hơi mạnh, kéo vị trí của ông xuống thứ 25 trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới của Bloomberg Billionaires Index.

Song người đồng sáng lập của Alibaba không phải là người duy nhất cảm thấy đang bị siết.

Sự gia tăng giám sát của chính phủ Trung Quốc đang buộc các nhà đầu tư phải nghĩ lại về việc nắm giữ các cổ phiếu công nghệ. Cổ phiếu của các hãng công nghệ Trung Quốc đã tăng mạnh trong đầu năm nay do nhu cầu đối với các dịch vụ trực tuyến bùng nổ khi nước này thực hiện giãn cách xã hội chống dịch Covid-19.

Trong những tuần gần đây, các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đã mất hàng trăm tỷ USD giá trị thị trường.

Tỷ phú "Pony" Ma Huateng - người sáng lập Tập đoàn Tencent - cũng đã mất 15% giá trị tài sản ròng kể từ đầu tháng 11. Trong khi đó, gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan của Wang Xing cũng đã giảm gần 1/5 so với mức đỉnh của tháng trước. Trong khi đó các khoản thu từ tiền gửi Mỹ của Alibaba đã giảm gần 25% kể từ cuối tháng 10.

Ông Bruce Pang - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong - cho rằng: "Có một làn sóng các dấu hiệu tương tự cho thấy những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang nằm trong tầm ngắm của các cơ quan chức năng".

"Hướng dẫn dự thảo chống độc quyền và rà soát chống độc quyền chỉ là hai trong số những dấu hiệu đó", ông nói.

Vấn đề của tỷ phú Ma bắt đầu khi ông chuẩn bị IPO Công ty thanh toán Ant Group. Tuy nhiên, thay vì trở thành một đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất thế giới, thì thương vụ IPO trị giá 35 tỷ USD của Ant Group đã bất ngờ bị hoãn chỉ trước hai ngày ra mắt dự kiến vào tháng 11.

Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Trung Quốc đang tiến hành siết chặt đối với một ngành công nghiệp có sức ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của hàng trăm triệu người dân Trung Quốc.

Sau đó, các nhà chức trách của nước này đã áp dụng các hạn chế bổ sung đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng đề xuất các quy định mới để hạn chế sự thống trị của các gã khổng lồ internet. Chính quyền nước này cũng đã phạt Alibaba và một đơn vị của Tencent vì các vụ mua lại từ nhiều năm trước.

Việc Trung Quốc tăng cường giám sát chặt chẽ đối với các hoạt động mua bán và sáp nhập có thể tạo thêm sự không chắc chắn cho sự phát triển của những người khổng lồ internet nước này.

"Nếu những thương vụ tương tự xảy ra ở Mỹ hay châu Âu - ví dụ như nếu Facebook sáp nhập với Google - thì các nhà chức trách của các nước này cũng sẽ phải thận trọng", ông Lui Cheng, thành viên của hãng luật King & Wood Mallesons ở Bắc Kinh nhận định và nói rằng: "Các gã khổng lồ công nghệ cần phải chú ý hơn đến việc tuân thủ các hoạt động hàng ngày của họ".

Tuy vậy, bất chấp sự sụt giảm gần đây, song tính chung cả năm qua, tài sản của các ông trùm internet của Trung Quốc đều "phình" to hơn nhờ giá cổ phiếu công ty tăng vọt vào đầu năm nay.

Theo Bloomberg, 21 tỷ phú công nghệ Trung Quốc mà chỉ số Bloomberg theo dõi đã kiếm được hơn 170 tỷ USD vào năm 2020. Thậm chí, giá trị tài sản ròng của tỷ phú Jack Ma cũng tăng 2,7 tỷ USD.

Ngược lại, những "gã khổng lồ" trong các lĩnh vực truyền thống như bất động sản lại giảm mạnh. Chủ tịch Tập đoàn China Evergrande - tỷ phú Hui Ka Yan đã mất 7,6 tỷ USD trong năm 2020, nhiều hơn bất kỳ ai khác trên thế giới.

Theo ông Pang, trọng tâm trong năm tới của chính phủ Trung Quốc là tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực chống độc quyền và ngăn chặn việc mở rộng vốn một cách mất trật tự.

"Một ngành công nghệ được quản lý chặt chẽ hơn sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển nền kinh tế hậu Covid-19 khi phần còn lại của thế giới đang vật lộn để kiểm soát đại dịch", ông nói.

Nhật Linh
Theo Bloomberg