Bất chấp diễn biến xấu trên thị trường chung, cổ phiếu SCD của Công ty CP Nước giải khát Chương Dương trong ngày 10/4 đã bất ngờ bật tăng trần mạnh mẽ 1.550 đồng lên 23.750 đồng/cổ phiếu. Đây có thể coi là phản hồi tích cực của cổ đông và nhà đầu tư đối với những nội dung đưa ra tại phiên họp ĐHĐCĐ của công ty này vừa diễn ra.
Cụ thể, tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Sá xị Chương Dương có kế hoạch trở lại với sự hỗ trợ từ ThaiBev và Sabeco. Đây là năm bản lề để công ty thực hiện mục tiêu tái cơ cấu, trọng tâm phát triển thương hiệu Chương Dương tại thị trường nội địa.
Ban lãnh đạo SCD đánh giá, lợi thế của Xá xị Chương Dương là thương hiệu có giá trị đặc biệt, mang tính di sản vì nhiều người dân TPHCM đã lớn lên cùng nó - “đây là nền tảng để tiếp tục phát triển vì khó có thương hiệu hiện hữu sẵn giá trị này”.
Chương Dương một thời gian thất thế trên chính sân nhà bởi nguyên nhân kém cạnh tranh với đối thủ về phân phối, truyền thông, chưa kể công nghệ sử dụng trước đó cũng ít được chú trọng đầu tư. Do đó chiến lược lần này của công ty gần như rơi vào hai vấn đề trọng điểm này.
Kế hoạch trở lại của Sá xị Chương Dương có bóng dáng tỷ phú Thái
Công ty dự kiến sẽ sử dụng khoản tiền gửi 90 tỷ đồng tại ngân hàng để di dời nhà máy, nâng cấp trang thiết bị. Đồng thời sẽ tăng cường độ nhận diện bằng cách bày bán sản phẩm ở nhiều nơi, phát triển kênh bán hàng trực tuyến B2B, phát triển đội ngũ bán hàng, thực hiện logistic hiệu quả.
Để thực hiện được lộ trình trên, SCD cho biết sẽ tận dụng nguồn hỗ trợ của Sabeco và Thaibev. Từ đầu năm 2018, đơn vị do ThaiBev sở hữu là F&N đã sẵn sàng tham gia hỗ trợ, nhiều nhân sự quan trọng đã được điều về SCD. Hiện, đội ngũ này đang xem xét mọi khía cạnh cần giải quyết ở SCD, và trong thời gian tới, F&N cam kết tiếp tục tập trung hỗ trợ công ty về bán hàng và phân phối; cón phía Sabeco cũng sẽ hỗ trợ thông qua phương diện nhân sự, tài chính.
Với những luận điểm trên, SCD đặt kế hoạch sản lượng bán hàng năm 2019 tăng 7% lên mức 25 triệu lít. Tương ứng, doanh thu bán hàng và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt gần 333 tỷ đồng và 10 tỷ đồng, tương đương tăng 20% và 84% so với kết quả đạt được trong năm 2018.
Kết thúc phiên giao dịch 10/4, chỉ số VN-Index ấn định mức giảm 6,57 điểm tương ứng 0,66% còn 981,91 điểm còn HNX-Index mất 0,27 điểm tương ứng 0,25% còn 107,43 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về các mã giảm giá. Thống kê cho thấy, trên thị trường có 336 mã giảm, 25 mã giảm sàn so với 273 mã tăng, 49 mã tăng trần.
Khối lượng giao dịch trên HSX tại 159,91 triệu cổ phiếu tương ứng 3.492,13 tỷ đồng và trên HNX là 30,69 triệu cổ phiếu tương ứng 396,32 tỷ đồng.
Phiên này, chỉ số nhận được sự hỗ trợ tích cực của một số mã lớn như SAB, VRE, ROS, GAS, VIC… nhưng ngược lại chịu sự ảnh hưởng tiêu cực từ VHM, VIC, VCB - mỗi mã này lấy đi của chỉ số chính hơn 1 điểm.
Theo BVSC, thị trường dự báo sẽ biến động theo chiều hướng tích cực hơn trong phiên kế tiếp. Thị trường có thể vẫn xuất hiện các nhịp giảm điểm trong phiên nhưng khả năng cao VN-Index sẽ kết phiên 11/4 với mức điểm tăng.
Vùng 975-980 điểm được đánh giá là ngưỡng hỗ trợ cứng của chỉ số trong những phiên còn lại của tuần này. Do vậy, BVSC cũng đặt kỳ vọng vào khả năng thị trường sẽ sớm quay lại thử thách các vùng kháng cự 995-1000 điểm.
Dòng tiền vẫn sẽ hướng sự quan tâm đến các nhóm ngành như công nghệ thông tin, dệt may, thủy sản, cao su, dầu khí và một số cổ phiếu trong nhóm ngành bất động sản… để tìm kiếm lợi nhuận. Trong khi, các cổ phiếu bluechips và nhóm ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục dao động theo hướng giằng co, đi ngang là chủ đạo.
Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư được khuyến nghị nên tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục ở mức cân bằng 35-45% cổ phiếu. Hạn chế việc mua cổ phiếu ở các mức giá cao trong phiên. Đồng thời, chỉ mở các vị thế mua lướt sóng tại các vùng hỗ trợ cụ thể của từng cổ phiếu trong các phiên thị trường điều chỉnh.
Mai Chi